Bộ GD&ĐT giải đáp các câu hỏi 'nóng' về kỳ thi THPT quốc gia 2017

GD&TĐ - Chất lượng đề thi, độ tin cậy của trật tự trường thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 là vấn đề được trao đổi nhiều nhất trong buổi họp báo tổng kết kỳ thi này do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 24/6.

Giải đáp những băn khoăn về đề thi

Giải đáp câu hỏi của phóng viên về chất lượng đề thi, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm nay, Bộ GD&ĐT đã cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa theo công nghệ của Hoa Kì. Điều đặc biệt khác với những năm trước là, tất cả những câu hỏi, đề thi này được thử nghiệm với chính học sinh lớp 12, từ đó biết được câu hỏi có độ dễ khó như thế nào từ thực tiễn.

“Trong tháng 3 - 4, đặc biệt là tháng 5 khi học sinh kết thúc chương trình học, chúng tôi chọn mẫu thử nghiệm trên 50 trường, với khoảng 20 nghìn học sinh lớp 12 để tiếp tục công đoạn 2 là chuẩn hóa để cân bằng độ khó giữa các đề thi” - ông Sái Công Hồng chia sẻ.

Ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)

Đối với các đề thi trắc nghiệm khách quan, theo ông Sái Công Hồng, có 24 mã đề khác nhau, được xuất phát từ 4 đề gốc. Một đề thi được phân làm 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao; việc đảo để tạo ra các mã đề thi được thực hiện trong từng “khối” (đảo trong khối câu hỏi nhận biết, đảo trong khối câu hỏi thông hiểu…), chứ không đảo trộn các câu hỏi ở 4 cấp độ để đảm bảo độ đồng đều giữa các mã đề thi.

“Khi làm đề thi phải hướng tới mục đích công bằng, khách quan và nhẹ nhàng cho thí sinh. Với tiêu chí đó, chúng tôi cố gắng xây dựng các mã đề tương đương với nhau nhất. Còn nếu so sánh độ khó dễ giữa các đề, phải so sánh trên cơ sở toàn bộ đề thi. Chỉ khi phân tích điểm trung bình các mã đề thi này mới chứng minh được các đề này khó dễ so với nhau như thế nào?” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng trao đổi.

Về đính chính 7 mã đề thi môn Vật lí, ông Sái Công Hồng chia sẻ, việc phát hiện ra lỗi kĩ thuật ở đề thi Vật lí vào thời gian Sở GD&ĐT đang tổ chức in sao đề thi. “Việc gắn đính chính thể hiện sự làm việc nghiêm túc của Ban đề thi. Đính chính được gắn vào mã đề thi, gần giống như trang cuối cùng của đề thi môn này. Việc hướng dẫn các đơn vị in sao cũng rất kĩ càng” - ông Sái Công Hồng khẳng đinh.

Số thí sinh vi phạm ít phản ánh đúng trật tự trường thi

Trước ý kiến băn khoăn, việc số thí sinh vi phạm kỷ luật trường thi giảm, phải chăng do địa phương nơi lỏng? Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết:

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì. Việc này là đúng “vai” vì đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT, các Sở GD&ĐT cũng đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi này.

Có hai giải pháp căn bản đảm bảo độ nghiêm túc, khách quan cho kỳ thi năm nay. Về giải pháp quản lý, Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên các Đại học, Học viện, trường ĐH và các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên về các địa phương tham gia tổ chức kỳ thi; mỗi phòng thi đều có 1 cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ làm công tác coi thi cùng với một giáo viên THPT/GDTX tại địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa địa phương và các trường ĐH, CĐ là yếu tố quan trọng quyết định độ tin cậy của kết quả kỳ thi.

Về giải pháp kỹ thuật: Bài thi được xây dựng theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phù hợp với kỳ thi có đối tượng dự thi lớn, mục tiêu, phạm vi, đối tượng đánh giá không phải lựa chọn tinh hoa mà là đại chúng. Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi trắc nghiệm có một mã đề thi riêng.

Việc tổ chức thi trắc nghiệm làm giảm hẳn việc thí sinh mang tài liệu vào phòng thi vì đề thi phủ rộng toàn bộ kiến thức, bên cạnh đó, thời gian cũng không cho phép thí sinh sử dụng tài liệu. Việc sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử cũng được quán triệt rất kĩ.

“Có thể nói, con số thí sinh bị đình chỉ ít năm nay là kết quả khách quan và chúng ta có cơ sở để tin kỳ thi THPT quốc gia 2017 đảm bảo độ tin cậy” - ông Mai Văn Trinh khẳng định.

Trước ý kiến cho rằng thi trắc nghiệm sẽ “đánh mất” một số kĩ năng của học sinh, theo ông Mai Văn Trinh, các kĩ năng đó được giải quyết căn bản trong quá trình dạy học ở phổ thông. “Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi cuối sau 12 năm học. Quá trình học ở phổ thông đã có kiểm tra, đánh giá theo hình thức tự luận. Trong kỳ thi cuối cùng, việc đạt được mục tiêu căn bản là điều quan trọng vì không có phương thức nào có thể đạt được mọi mục tiêu” - ông Mai Văn Trinh cho hay.

Cũng khẳng định độ nghiêm túc, tin cậy của kỳ thi, ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Từ thực tế đi kiểm tra các điểm thi, tôi thấy kì thi năm nay diễn ra yên ả, trật tự. Chúng tôi đánh giá cao trách nhiệm của giảng viên các trường ĐH tham gia kỳ thi cũng như sự phối hợp nhịp nhàng thống nhất với địa phương.

Từ năm 2018, điểm sàn sẽ do các trường quy định

Niềm vui sau giờ thi

Trả lời câu hỏi của phóng viên về xác định điểm sàn, bà Nguyễn Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - cho biết: Quy chế tuyển sinh đã quy định rõ việc này.

Theo đó, năm 2017, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, khi đó mỗi trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.

“Những nội dung công khai đó sẽ giúp xã hội giám sát chất lượng của nhà trường, giúp học sinh chọn được trường phù hợp. Đó cũng là quá trình đảm bảo quyền tự chủ của các trường” - Bà Nguyễn Kim Phụng cho hay.

“Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công đã khẳng định đổi mới thi/tuyển sinh đã đi đúng hướng, những mục tiêu đổi mới thi/tuyển sinh cơ bản đã đạt được. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-gddt-giai-dap-cac-cau-hoi-nong-ve-ky-thi-thpt-quoc-gia-2017-3458313-v.html