Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017

(HQ Online)- Chiều ngày 28-9, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) đã họp báo công bố phương án thi THPT quốc gia 2017. Nhìn chung phương án thi chính thức do Bộ GD-ĐT vừa công bố chỉ có một số điều chỉnh về lượng câu hỏi trong đề thi và thời gian thi so với Dự thảo trước đó.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có nhiều điều chỉnh so với năm 2016. Ảnh: ĐH.

Nâng số câu hỏi ở mỗi tổ hợp đề thi

Theo phương án thi THPT quốc gia 2017 thí sinh sẽ thi 4 bài trắc nghiệm gồm: Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh hệ giáo dục THPT.

Theo Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga, đây là lần đầu tiên tổ chức các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Theo đó sẽ có điểm thi từng phần và điểm của tổng bài thi tổ hợp. Các trường đại học, cao đẳng có thể lấy điểm thi từng phần để xét tuyển (ví dụ điểm Toán của bài thi riêng và điểm Lý, Hóa của bài thi tổ hợp).

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được tổ chức trong 2 ngày của tháng 6. Ngày thứ nhất: Sáng thi Ngữ văn, chiều thi Toán. Ngày thứ hai: Sáng thi Khoa học tự nhiên, chiều thi Khoa học xã hội.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ kết hợp sử dụng kết quả 4 bài thi tốt nghiệp (với thí sinh giáo dục THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (thí sinh Giáo dục thường xuyên) và điểm trung bình cả năm lớp 12, cùng điểm ưu tiên, khuyến khích.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết thêm: So với bản dự thảo trước đó phương án thi THPT quốc gia 2017 có tăng thời lượng các môn thi, với tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội, mỗi thành phần của bài thi là 50 phút (tổng cộng 150 phút). Đối với đề thi môn Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút; môn Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian thi 60 phút. Việc điều chỉnh số câu hỏi thi trong bài Ngoại ngữ và Toán đáp ứng được ma trận đề thi, dễ dàng hơn trong việc thiết kế đề thi.

Phương thức tính điểm các môn thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ 50:50. Đặc biệt, điểm liệt của mỗi bài thi độc lập và thành phần của bài thi tổ hợp là 1 điểm.

Tại buổi họp báo, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, không nên lo học sinh chỉ học trắc nghiệm mà bỏ qua tự luận, bởi đề thi sẽ phân hóa ở bốn mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ngoài ra, học sinh nắm vững kiến thức dù thi theo hình thức nào cũng có thể đạt được kết quả tốt.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Ga cũng khẳng định: “Từ năm 2007 Bộ GD-ĐT đã thực hiện hình thức thi trắc nghiệm ở một số môn như: Vật lý, Hóa học, Sinh học cũng đã rất thành công và học sinh đã quen với hình thức này nên cũng không lo lắng nhiều. Bên cạnh đó, trong 2 năm vừa qua Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã tổ chức Kỳ thi Đánh giá năng lực theo hình thức trắc nghiệm cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ của xã hội”.

Tại buổi hợp Bộ GD-ĐT cho biết ngay trong ngày 28-9 đã gửi công văn về phương án thi chính thức năm 2017 cho các trường trên toàn quốc để kịp thời chuẩn bị và hướng dẫn thí sinh.

Tháng 5-2017, xây dựng xong ngân hàng đề thi

Về việc xây dựng ngân hàng đề thi, Bộ GD-ĐT cho biết đã tập hợp lực lượng giáo viên nhiều kinh nghiệm theo từng môn. Nhóm ra đề thi sẽ làm việc vào tháng 10 tới. Dự kiến đầu tháng 10, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi minh họa.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD-ĐT), Bộ lựa chọn phương án thi trắc nghiệm phù hợp với số lượng thí sinh đông ( mỗi năm khoảng một triệu thí sinh), để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và căn cứ xét tuyển vào đại học. Lực lượng tham gia xây dựng câu hỏi là giáo viên dạy tại các trường, chuyên gia từ viện nghiên cứu, giảng viên đại học. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng kế thừa ngân hàng câu hỏi của Đại học Quốc gia Hà Nội và chuẩn bị từ nay đến tháng 5-2017 sẽ xây dựng xong ngân hàng câu hỏi.

Tại buổi họp báo, ông Trinh cũng cho biết thêm, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thi thử để tăng độ tin cậy cho đề thi.

Trước băn khoăn về điểm liệt cho mỗi môn thi trong bài tổ hợp là 1 có phù hợp khi học sinh “đánh bừa” cũng có thể đạt 2,5 điểm, ông Trinh khẳng định mức điểm liệt như vậy là hợp lý. Trong lộ trình sắp tới, khi thay đổi sách giáo khoa mới, Bộ sẽ chuyển hóa từ tổ hợp thành tổng hợp và tích hợp.

Trước những băn khoăn của độ tin cậy khi giao kỳ thi cho các sở GD-ĐT chủ trì, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ GD- ĐT sẽ điều động giảng viên từ các trường đại học về giám sát công tác coi thi và chấm thi ở các sở. Ngoài ra, bài thi trắc nghiệm được chấm trên máy nên sẽ sẽ đảm bảo tính khách quan. Từ đó, các trường đại học, cao đẳng có thể dựa vào kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển mà không cần phải tổ chức thêm các kỳ thi khác”.

Về phương án xét tuyển đại học, cao đẳng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định vẫn sử dụng phần mềm tuyển sinh như kỳ thi năm 2015-2016, có nhiều phân hệ, bao gồm đăng ký xét tuyển, lưu giữ thông tin của thí sinh...

Ngoài ra, phần mềm còn có phân hệ đưa ra danh sách thí sinh trúng tuyển, chống thí sinh "ảo" (đã chạy thử nhiều năm) để các trường kiểm soát được thí sinh của trường mình.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có các bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Trong số đó, chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Mỗi bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội tăng số lượng câu hỏi trắc nghiệm từ 60 thành 120 với 4 lựa chọn duy nhất một phương án đúng. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm tăng từ 90 phút lên 150 phút.

Bài thi ngoại ngữ cũng được tăng số câu hỏi lên thành 50 câu (trước là 40 câu) nhưng thời gian làm bài thi vẫn là 60 phút. Riêng môn Toán vẫn 50 câu hỏi trắc nghiệm.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-gd-dt-chinh-thuc-cong-bo-phuong-an-thi-thpt-quoc-gia-2017.aspx