Bố cục trong nhiếp ảnh: Không gian âm - Bài 6

Một cách khác để bức ảnh có kết cấu tối giản, độc đáo, tập trung chủ đề... đó là bố cục kiểu không gian âm . Chụp một bức ảnh, ngoài vấn đề kỹ thuật thành thạo, người chụp còn có ý tứ về trường ảnh, trường sáng, màu sắc, nội dung thông tin... thì không gian âm cũng là một yếu tố anh em học chụp ảnh nên xem xét. Hiểu rõ, thực hành, khai thác một cách sáng tạo & linh hoạt, thiết nghĩ chúng ta sẽ có những bức ảnh diễn tả tốt câu chuyện cần truyền tải đến người xem hơn.

Các bài đã viết trên #Camera .tinhte.vn (click chuột vào để xem):
Bài 1: Bố cục trong chụp ảnh nghĩa là gì?
Bài 2: Quy tắc Một Phần Ba là gì?
Bài 3: Phá bỏ quy tắc một phần ba.
Bài 4: Đường chân trời & các đường thẳng trong ảnh
Bài 5: Đường dẫn ánh mắt đến đối tượng chính trong ảnh
Bài 6: Không gian âm.
...

KHÔNG GIAN ÂM LÀ GÌ?

Không gian âm (negative space) là vùng ảnh đơn giản xung quanh đối tượng chính trong một bức ảnh. Không gian âm làm nổi bật chủ thể và lôi cuốn sự chú ý người xem. Trong âm thanh, không gian âm được hiểu như những khoảng lặng trong dòng nhạc, thì trong chụp ảnh không gian âm như không gian vùng ảnh bao quanh yếu tố chủ chốt của bức ảnh mà ta có thể gọi là không gian dương.

Ví du:
Không gian âm tự nó chính là sự trống không. Nó thiếu đi những chi tiết, màu sắc hay ánh sáng theo những cách khác nhau, kết cấu đơn giản nhằm tập trung mắt chú ý vào tay em bé nắm lấy tay mẹ nó thôi. Mình không nhớ bối cảnh chụp thế nào, chỉ nhớ là lợi dụng ánh sáng len qua khe cửa, mở khẩu f/1.4 tốc độ trập 1/1000s để hậu cảnh sậm tối, tách chủ đề nổi bật lên.

Tách màu tạo ra sự tương phản cho chủ thể chính với không gian màu khác cũng là cách để thực hiện bức ảnh loại này.

TÁC DỤNG CỦA KHÔNG GIAN ÂM LÀ GÌ?
Không gian âm có thể thay đổi phong cách và câu chuyện muốn kể của một bức anh. Nó có tác dụng như một bối cảnh, tạo ra cảm giác về cường độ ánh sáng, sự quang đãng, cũng có thể làm mạnh mẽ cảm xúc hơn, làm nổi bật tình cảm chủ thể trong ảnh hơn. Chủ đề có thể là vui hay buồn lẻ loi gì chăng nữa thì không gian âm cũng luôn có tác động đến chúng.

CÁCH SỬ DỤNG KHÔNG GIAN ÂM THẾ NÀO?

Không gian âm thường được nhận diện như một vùng ảnh thiếu đi loại chi tiết nào đó, người xem có thể cho đó không phải là yếu tố tích cực quan trọng, mà đơn thuần nó chỉ giúp làm nổi bật yếu tố khác. Thực ra, không gian âm cũng như những thứ khác trong nhiếp ảnh, nó cũng có "hiệu ứng" thị giác và người chụp cần phải hết sức cẩn thận khi quyết định đưa bao nhiêu diện tích "khoảng trống" vào ảnh và đặt nó ở đâu.

Bạn quyết định “thêm vào” hay “bớt đi” khoảng không gian âm thế nào thì ảnh hưởng đến hiệu ứng của các yếu tố khác trong bức ảnh, kết quả là chúng trở nên nhỏ hơn hoặc lớn hơn trong khung hình. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể sử dụng không gian âm để cân bằng bố cục ảnh của bạn.

Về mặt kỹ thuật, bức ảnh dưới đây không được cân đối cho lắm – nó hơi trĩu về bên phải một chút. Khi chụp, mình đặt máy (điện thoại) sát mặt đường để có bầu trời xanh làm không gian trống, có thể mình lấy thêm về phần bên phải và cắt bớt phần bên trái, nhưng mình đã quyết định để đầu xe máy sát lề phải để thêm một phần tạo đường dẫn chéo hiệu ứng gần-to xa-nhỏ hút mắt hơn.

Không gian âm như một khoảng trống có vẻ thiếu nội dung, nhưng nó cũng có “hiệu ứng” thị giác và bạn cần phải hết sức cẩn thận khi quyết định đưa thêm vào bao nhiêu “khoảng trống” và đặt nó ở đâu. Đứng trên cầu chụp xuống, có thể lấy nhiều phần các chiếc thuyền hơn nhưng cũng có thể dành nhiều phần không gian trống hơn, tùy quyết định của người chụp, miễn làm nổi bật chủ thể.

Ảnh dưới đây, bên trên là thung lũng ở Bảo Lộc phủ đầy sương sớm. Rõ ràng là kết cấu phần không gian trống chiếm nhiều diện tích khung hình hơn mép bờ vực có những thảo mộc nhỏ.

Về khẩu độ ống kính:

Khẩu độ lớn = số F nhỏ = DOF mỏng / cạn.
Khẩu độ nhỏ = số F lớn = DOF sâu / dày.

Về tiêu cự ống kính:

Tiêu cự ống kính càng dài thì khoảng DOF càng mỏng / cạn.
Tiêu cự càng ngắn thì DOF càng sâu / dày.

Về khoảng cách từ máy ảnh đến chủ đề:

Khoảng cách từ ống kính đến chủ đề càng gần thì DOF càng mỏng / cạn.
Khoảng cách này càng xa thì DOF sẽ càng sâu / dày.

LỜI KẾT

Rất dễ và rất nhiều cách để tập trung sự chú ý của người xem vào chủ thể, vào cái mà chúng ta coi là yếu tố chính của bức ảnh. Cũng rất dễ để tập trung cảm xúc, nụ cười, nước mắt của ai đó, hoặc bất cứ thứ gì xung quanh cuộc sống có thể lôi cuốn chúng ta hướng mắt vào và thúc dục chúng ta cầm máy lên và bấm nút ghi hình. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Không gian âm là một cách hết sức hữu dụng và cá biệt, nếu có thể được nói như vậy. Nó thoạt nhìn thì như làm "giảm bớt" các mối liên hệ của chủ thể với xung quanh, nó nhỏ bé đi, có vẻ như dìm nó ngập vào một khoảng trống khi thoạt nhìn vào.

Nhưng khi nhìn gần hơn, nhìn kỹ hơn, chủ thể ấy nổi bật và như chiếm hết ánh mắt nhìn vào. Kiểu như chấm mực trên một tờ giấy trắng, đưa ra bạn sẽ thấy gì? Chấm mực! Nhưng cũng không chỉ là chấm mực, mà là một chấm mực được bao quanh bởi một màu trắng bất tận. Và, câu chuyện bạn sẽ được kể từ khoảng trống trắng đó.

Không gian âm là một yếu tố tác động hết sức manh mẽ nơi mỗi bức ảnh, hoặc, chí ít, nó cũng tiềm ẩn khả năng như vậy. Rất giống với cách bố cục trung tâm, nó thường là một trường hợp mà khi đó ít (chủ thể) hơn lại trở nên (đầy cảm xúc) hơn. Học cách sử dụng nó một cách sáng tạo linh hoạt, chắc chắn sẽ giúp bạn không chỉ tìm ra được những cách mới mẻ để sắp xếp bố cục cho các bức ảnh bạn chụp, mà còn là những cách mới mẻ để học hỏi và thuật lại câu chuyện qua các đối tượng của bạn nữa.

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/hoc-chup-anh-bo-cuc-trong-nhiep-anh-khong-gian-am-bai-6.2646525/