Bộ Công Thương sẽ bỏ Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng

Sau 4 năm ban hành và duy trì thủ tục kiểm tra chuyên ngành rắc rối, không phù hợp với luật và các quy định hiện hành về dán nhãn năng lượng, Bộ Công Thương tuyên bố sẽ thực hiện lộ trình nhanh nhất để bỏ quy định doanh nghiệp phải có giấy này mới được làm thủ tục thông quan.

Sẽ bỏ giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với các sản phẩm điện tử, điện lạnh. Ảnh:TL

Hôm 18-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp nhằm rà soát riêng quy định về dán nhãn năng lượng, một thủ tục kiểm tra chuyên ngành do bộ này ban hành từ năm 2012.

Kể từ khi ban hành và buộc doanh nghiệp phải thực hiện đến nay thủ tục này đã gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp, có thể gây thiệt hại đến hàng trăm tỉ đồng do “vênh” nhau về các quy định kiểm tra trong quá trình thông quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đã gủi các văn bản phản đối quy định vì nó ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh, thêm thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thông tư 07/2012 của Bộ Công Thương, hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu mỗi năm buộc phải có giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng tối thiểu mới được thông quan. Mỗi khi doanh nghiệp nhập khẩu một lô hàng về là phải tiến hành thủ tục khai báo hải quan: thủ tục thử nghiệm tại các tổ chức đánh giá do Bộ Công Thương chỉ định, kéo dài hàng tháng, tốn chi phí. Thậm chí nhiều sản phẩm của các hàng thương hiệu lớn, đã kiểm tra hiệu suất năng lượng quốc tế vẫn phải phá hủy để kiểm tra.

Tiếp đó, doanh nghiệp phải đề nghị Tổng cục Năng lượng dán nhãn năng lượng như một loại giấy phép mới được đưa vào lưu thông.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một văn bản mới đây báo cáo Chính phủ về các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã nhận định rằng viêc cấp giấy chứng nhận là không cần thiết, nhất là cấp cho từng lô hàng và việc phải qua Tổng cục Năng lượng cấp giấy lại càng phi lý. Lý do là Luật Năng lượng quy định Bộ Công Thương công nhận nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị nhập khẩu nhưng bộ không thực hiện mà tiến hành kiểm tra lại, kể cả kiểm tra lại hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có chứng nhận cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam là không đúng.

Tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan trong quy trình cải cách môi trường kinh doanh như chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh quyết định rà soát, sửa đổi Thông tư 07 nhằm không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh mục tiêu chính của việc dán nhãn năng lượng nhập khẩu là để hạn chế các loại sản phẩm hàng hóa có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu chứ không phải dựng “hàng rào” nhập khẩu. Do đó phải cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các lô hàng nhập khẩu cùng số seria/model, cùng nhà sản xuất, cùng xuất xứ, tạo điều kiện cho quy trình thông quan nhanh chóng.

Mặt khác, phải cho phép doanh nghiệp sử dụng Phiếu kết quả kiểm nghiệm để thông quan, không sử dụng Giấy chứng nhận dãn nhãn năng lượng để thông quan, tránh tình trạng kiểm tra lại các giấy chứng nhận năng lượng từ các sản phẩm nhập khẩu của các thương hiệu lớn từ các quốc gia có tiêu chuẩn cao hơn Việt Nam.

Tóm lại là Tổng cục Năng lượng phải rà soát lại các căn cứ pháp lý của quy định liên quan đến Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng ở thời điểm trước hay sau khi thông quan hàng hóa, tiến tới bỏ loại giấy này để tránh bất đồng giữa hải quan-doanh nghiệp và Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu xây dựng văn bản thực hiện quy định “Công nhận nhãn năng lượng của phương tiện thiết bị nhập khẩu” như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định để giảm nhanh số lượng các trường hợp phải làm thủ tục kiểm tra, dán nhãn.

Như vậy, sau khi bãi bỏ Thông tư 37 về thủ tục kiểm tra formadehyt trong vải nhập khẩu và sắp tới là bãi bỏ quy định về dán nhãn năng lượng, Bộ Công Thương vẫn còn thủ tục kiểm tra hóa chất cũng bị doanh nghiệp phản ứng đang chờ sửa đổi.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152858/bo-cong-thuong-se-bo-giay-chung-nhan-dan-nhan-nang-luong.html/