Bộ Công Thương nên cầu thị

Cần rút kinh nghiệm trong công tác cán bộ, đẩy nhanh lộ trình thoái vốn, thực hiện cẩn trọng việc cấp phép xả thải, xử lý các vấn đề môi trường nhà máy nhiệt điện…là những yêu cầu được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ Công Thương trong buổi làm việc ngày 14/11.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Nên cầu thị trong công tác cán bộ

Dẫn lại việc Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có kết luận liên quan đến công tác nhân sự và Thủ tướng cũng từng có ý kiến về việc bộ máy tại Bộ Công Thương có vấn đề phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng) cho hay, Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề kỷ cương với cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ Công Thương. Đây cũng là yêu cầu Thủ tướng đã đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2015 của Bộ Công Thương, khi cho rằng một bộ có tới 30 vụ, cục, 11 tập đoàn, tổng công ty thì vấn đề tinh giản biên chế, hiệu quả của các đơn vị trực thuộc cần được xem xét.

“Mong Bộ trưởng mới cầu thị. Nếu cử một đồng chí lái xe sang làm công tác tham tán thương mại, nếu có phải xem xét kỹ lại. Không thể nào một vị trí quan trọng mà sử dụng cán bộ như thế. Sang đó làm việc riêng hơn là làm việc chung thì không ổn. Thời gian qua công tác cán bộ chỗ này chỗ khác các đồng chí quá hiểu, cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong Bộ Công Thương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đại diện tổ công tác của Thủ tướng cho rằng, thời gian qua dư luận rất quan tâm đến việc nhiều tập đoàn lớn thua lỗ, làm ăn không có hiệu quả, việc xây dựng thương hiệu thị trường bán lẻ trong nước, thoái vốn nhà nước tại Bộ Công Thương. Việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp cho công nghiệp phát triển, công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, gian lận thương mại, vấn đề môi trường nhà máy nhiệt điện,… cũng là những vấn đề được đoàn công tác đặt ra với Bộ Công Thương.

Về vấn đề nhân sự, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 8 nội dung Thủ tướng nêu đều là vấn đề lớn, vừa có tính chiến lược lâu dài vừa có tính bức xúc cần tập trung giải quyết. Với việc tinh giản bộ máy, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận những khuyết điểm trong công tác bổ nhiệm là bài học sâu sắc, rất có ý nghĩa.

Theo đó, hàng loạt công việc liên quan đến công tác cán bộ đã được rà soát đánh giá để triển khai theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. “Việc cử lái xe làm tham tán, ở đâu đó thì có, còn thực tế qua kiểm tra tại Bộ Công Thương hoàn toàn không có chuyện này”, ông Tuấn Anh khẳng định và cho biết Bộ Công Thương sẽ nâng cao tinh thần đổi mới quản lý nhà nước trong quản lý điều hành. Đặc biệt công tác bổ nhiệm cán bộ sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Về công tác nhân sự, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho hay, công tác bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có điều tiếng về việc không công khai minh bạch, không dân chủ. Nhiều vấn đề cán bộ ở Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc và có ý kiến chỉ đạo. Vì vậy Bộ Công Thương cần quyết liệt hơn nữa trong tinh giản biên chế, bộ máy cán bộ, không để tình trạng sau này kiểm điểm xong lại bắn chỉ thiên hết, rồi lại hòa cả làng.

Cân nhắc lộ trình thoái vốn Sabeco và Habeco

Báo cáo về việc thoái vốn toàn bộ Habeco trước 31/12/2016, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương Nguyễn Chí Dũng cho hay, Thủ tướng có yêu cầu thoái vốn toàn bộ Habeco trước 31/12/2016. Tuy nhiên, việc thoái vốn Nhà nước tại 2 tổng công ty lớn nhất ngành bia rượu được nhiều người quan tâm.

Theo ông Dũng, việc thoái vốn rất phức tạp do đây là doanh nghiệp đã cổ phần hóa, và Nhà nước đang nắm giữ 81,79% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược Carlsberg nắm giữ 15,77%. “Thực tế triển khai thoái vốn hiện nay, đang vướng vì Habeco có đối tác chiến lược với Casbergl. Chúng tôi đã có công văn gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến tham gia tư vấn về hợp đồng giữa Habeco và Carlsberg. Habeco và Carlsberg đã có buổi làm việc nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất. Habeco đã họp tiếp với Tổ tư vấn và sẽ phải đàm phán tiếp... Quy trình thoái vốn thực tế không thể nhanh được”, ông Dũng nói.

Chủ tịch HĐQT Habeco Đỗ Xuân Hạ cho biết, việc niêm yết và thoái vốn của Habeco rất được nhà đầu tư quan tâm. Giá tham chiếu cổ phiếu của Habeco khi lên sàn UpCom ban đầu chỉ 39.000 đồng/cổ phiếu, giờ lên 110-120 nghìn đồng/cổ phiếu. “Để đạt được lợi ích cao nhất khi thoái vốn, Habeco đang xin chuyển niêm yết sang sàn TPHCM. Bộ cũng có chỉ đạo đàm phán với Carlsberg và chúng tôi đồng thời lên kế hoạch chọn tư vấn thoái vốn, xin ý kiến Bộ và Chính phủ để làm sao giá niêm yết tốt nhất”, ông Hạ nói.

Liên quan đến việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc thoái vốn sẽ được thực hiện đúng quan điểm Nhà nước không đi bán bia. Hiện Bộ Công Thương đã hoàn thành đúng yêu cầu nhưng chất lượng chưa đạt như yêu cầu đề ra. Để đảm bảo quyền lợi và hiệu quả, có khả năng sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh lại lộ trình về thoái vốn khỏi hai đơn vị này. “Thực tế triển khai cho thấy, việc lựa chọn tư vấn, đấu thầu rất khó khăn và rất mất thời gian. Việc chỉ định thầu sẽ có ý kiến khác nhau. Bộ sẽ có báo cáo trực tiếp với Chính phủ và thường trực Chính phủ ”, ông Tuấn Anh nói.

Theo thống kê của Tổ công tác, tổng số nhiệm vụ Bộ Công Thương được giao là 486, đã hoàn thành được 286 nhiệm vụ và số chưa hoàn thành nhưng trong hạn là 187; chưa hoàn thành là 13.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-cong-thuong-nen-cau-thi-1073274.tpo