Bộ Công Thương lo doanh nghiệp dệt may "cò quay"

(HQ Online)- Mất thời gian, tốn chi phí là những than phiền của doanh nghiệp dệt may khi thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, quy định này nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời tránh hiện tượng gian lận thương mại.

Doanh nghiệp dệt may kêu tốn chi phí và mất thời gian với việc thực hiện Thông tư 37. Ảnh internet.

1 chiếc áo cũng kiểm tra

Kể từ khi Thông tư 37/2015/TT-BCT có hiệu lực (quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm trong sản phẩm dệt may) thay thế Thông tư 32/2009/TT-BCT, đã có rất nhiều doanh nghiệp “kêu than” về tính “thụt lùi” của thông tư này. Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, họ nhập một lượng mẫu với số lượng rất nhỏ, giá trị thấp nhưng vẫn bị cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra mẫu. Điều này gây mất rất nhiều thời gian và thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Lý giải rõ hơn, tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 37/2015/TT-BCT do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26-5, ông Trương Đình Út, đại diện Công ty May Nhà Bè cho biết, trước đây theo Thông tư 32, các doanh nghiệp nhập dưới 25m vải mẫu thì không phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm, tuy nhiên theo Thông tư 37 mới, doanh nghiệp nhập dưới 30m vải vẫn bị yêu cầu kiểm tra hàm lượng nói trên. Như vậy thông tư mới thủ tục còn rườm rà hơn Thông tư 32.

Cùng chung khó khăn trên, đại diện công ty Minh Trí cho hay, doanh nghiệp nhập 12 mẫu hàng, mỗi mẫu chỉ vài ba sản phẩm nhưng vẫn bị cơ quan chức năng giữ 2 sản phẩm từ hôm 23-5 đến nay vẫn chưa giả mẫu. Việc cơ quan kiểm nghiệm giữ mẫu hàng của công ty khiến cho tiến độ, kế hoạch của công ty bị chậm trễ, chưa kể, mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại.

"Khách hàng gửi một mẫu áo cũng bị yêu cầu kiểm tra hàm lượng formaldehyt", đây là ý kiến của vị đại diện Tổng Công ty May 10. Vị này nói tiếp: "Có khách hàng gửi một mẫu áo cho chúng tôi nhưng chúng tôi không được nhận sản phẩm ngay vì còn phải qua khâu kiểm tra mẫu. Chỉ một chiếc áo, không có giá trị thương mại, vì là mẫu nên cũng không tiêu thụ ra thị trường, có nghĩa là hoàn toàn không có nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng cũng mất thời gian để đợi kiểm tra mẫu. Điều này khiến cho doanh nghiệp rất mất thời gian".

"Sợ" doanh nghiệp gian lận

Trái với sự kỳ vọng của Bộ Công Thương, hội nghị tổng kết đánh giá chỉ có “vỏn vẹn” 5 doanh nghiệp cùng sự có mặt của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) rất ngạc nhiên khi thiếu vắng doanh nghiệp tham gia cuộc họp này.

Với những kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề hàng mẫu, ông Cường cho hay, khái niệm hàng mẫu rất rộng có những doanh nghiệp chỉ nhập vài triệu đồng hoặc dưới 30m vải nhưng có những doanh nghiệp hàng mẫu lên tới cả nghìn chiếc.

Nếu những doanh nghiệp làm ăn chân chính, không vi phạm thì không vấn đề gì nhưng không loại trừ nhiều doanh nghiệp “cò quay” lợi dụng để gian lận thương mại. Tức là, doanh nghiệp nhập 1.000 sản phẩm nhưng lại nói rằng đây là hàng mẫu.

“Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ. Chúng tôi cũng đã có sự tranh luận làm sao để phân biệt được, tránh hiện tượng gian lận thương mại. Không phải chúng tôi không biết có những lô hàng chỉ có 2 chiếc áo, vài mét vải nhưng cũng có những doanh nghiệp gian lận thương mại”, ông Cường nói.

Ghi nhận những khó khăn của doah nghiệp ông Cường cho biết, sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp để trình lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét và chỉnh sửa Thông tư 37 cho phù hợp với thực tiễn. "Chắc chắn những kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được ghi nhận và xem xét có điều chỉnh với hàng mẫu theo đúng nghĩa", ông Cường khẳng định.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-cong-thuong-lo-doanh-nghiep-det-may-co-quay.aspx