Bộ Chính trị: Chỉ chi và vay trong khả năng trả nợ

Chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ - Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị.

Kỷ cương, kỷ luật tài chính bị buông lỏng

Ngày 18/11/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Bộ Chính trị chỉ đạo chỉ vay trong khả năng trả nợ. Ảnh minh họa

Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh những thành tựu đã đạt được trong công tác quan lý tài chính - ngân sách nhà nước song cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém đang tồn tại.

Một trong những hạn chế đó là cơ cấu thu - chi ngân sách chưa hợp lý, thiếu bền vững. Các nguồn lực phát triển như đất đai, tài nguyên chưa được huy động, sử dụng có hiệu quả; tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế còn nghiêm trọng.

Đặc biệt, chi ngân sách không ngừng tăng, cơ cấu chi không hợp lý, vượt khả năng cân đối nguồn lực; thu không đủ chi, tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp.

Dẫn tới vấn đề cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, bội chi cao, phải vay đảo nợ; nhiều địa phương chưa có khả năng cân đối ngân sách và điều tiết về ngân sách Trung ương.

Trong khi đó, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.

Nghị quyết cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu vẫn là do nguyên nhân chủ quan. Từ vấn đề nhận thức về phát triển chưa thống nhất, đầy đủ, thiếu nhất quán, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Trong khi đó, vấn đề thuế, chính sách giá cũng còn nhiều bất cập; ý thức kỷ luật chưa cao trong khi chức năng nhiệm vụ quản lý ngân sách còn chồng chéo, chưa gắn với vấn đề trách nhiệm.

Kỷ cương, kỷ luật tài chính còn bị buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập; chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm. Công tác nắm tình hình, phân tích, dự báo còn nhiều hạn chế.

Chỉ vay trong giới hạn trả nợ

Từ những bất cập nêu trên, Nghị quyết đã thống nhất quan điểm chỉ đạo, yêu cầu cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, động viên hợp lý các nguồn lực.

"Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; xác định tiết kiệm là quốc sách hàng đầu; chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi ngân sách nhà nước, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế "xin - cho"", nội dung Nghị quyết nhấn mạnh.

Ngoài ra, Nghị quyết chỉ đạo cần kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương; thu hút tối đa nguồn lực của xã hội.

Điều chỉnh quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; tiết kiệm chi thường xuyên để tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách nhà nước và giảm bội chi ngân sách nhà nước. Thực hiện huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước gắn với các ưu tiên chiến lược của nền kinh tế.

Đặc biệt, đổi mới công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, hỗ trợ hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền đất nước.

Theo đó, tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đặt mục tiêu, tỉ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 20 - 21% GDP, phấn đấu tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Trong tổng thu ngân sách Nhà nước, tỉ trọng thu nội địa khoảng 84 - 85%, tỉ trọng thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16%; tỉ trọng thu ngân sách Trung ương 60 - 65%. Sau năm 2020, tỉ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước so với GDP được duy trì ở mức ổn định, hợp lý.

Lại cảnh báo nguy cơ nợ công Việt Nam vượt trần

Tỉ lệ chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25 - 26%; tỉ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.

Song song với việc giữ vững an ninh tài chính quốc gia, mục tiêu là phải bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước.

Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-chinh-tri-chi-chi-va-vay-trong-kha-nang-tra-no-3323447/