“Bộ chín cừ khôi”: Mượn tiền để nói về tình

Dễ làm người ta liên tưởng đến “Bảy võ sĩ đạo” bởi bối cảnh và nhiều diễn viên quen thuộc, nhưng “Bộ chín cừ khôi” vẫn có cách làm duyên riêng để ca ngợi những con người bình thường vượt qua nghịch cảnh, tinh thần vượt qua tư tâm vụ lợi để cùng chung tay cho sự phát triển của cái chung - điều từng làm nên một Nhật Bản thần kỳ, nhưng dường như một phần “hồn” đã lạc ở đâu đó giữa cuộc sống hiện đại.

Cũng là một bộ phim chuyển thể trong Liên hoan phim Nhật Bản 2016, đạo diễn Nakamura Yoshihiro (Fish Story) thực hiện Bộ chín cừ khôi (The Magnificent Nine, tên tiếng Nhật Tono, Risoku de gozaru!) dựa trên tiểu thuyết Mushi no Nihonjin (Người Nhật vô vụ lợi) của Isoda Michifumi – vốn cũng lấy theo câu chuyện có thật được một ngôi chùa ghi lại trong lịch sử.

Chuyện phim lấy bối cảnh thời phong kiến Nhật Bản (thế kỷ 18, thời Edo), nhưng lại đề cập vấn đề đến hôm nay vẫn đặc biệt “nóng”: thuế má và luật định không công bằng. Bị đánh thuế nặng nề, buôn bán lại không tốt, hầu hết dân làng Juzaburo ở xứ “khỉ ho cò gáy” đã nghèo lại càng thêm nghèo. Trong sự bức xúc đó, một anh trồng trà, biểu tượng cho nền nông-công nghiệp sinh thái, nảy sinh ý tưởng hoang đường: muốn thay đổi tình hình chỉ còn cách “đảo khách thành chủ”, biến từ kẻ yếu thế thành kẻ quyền lực. Mà trong thế giới này, quyền lực tối thượng không phải làm ông này bà nọ, mà là… chủ nợ - cái danh chỉ nghe thôi anh giàu đã ngán ngẩm, anh nghèo mặt không còn giọt máu. Tưởng như chỉ là ý tưởng lúc trà dư tửu hậu, ấy vậy mà, có thêm 8 “anh” khác “đánh hơi thấy mùi ngon” quyết thực hiện kế hoạch táo bạo này.

Lịch sử cho thấy, con nợ sướng nhất không ai khác ngoài Chính phủ, được hình tượng hóa trong phim là vị lãnh chúa xa xỉ. Cho được lãnh chúa vay là cả đời chẳng lo đói. Cũng thông qua đó, những vấn đề hiện đại được lồng ghép khéo léo. Là cánh rừng dần dần biến mất để lãnh chúa có thêm tiền trong ngân khố. Là hạt gạo bị trưng thu sạch sành sanh đem bán lấy tiền, mặc dân ăn khoai cầm cự, với quan điểm “không chết là được”. Là khoản thuế đường dịch chuyển thành chi phí nuôi ngựa thồ hàng cho lãnh chúa mà dân làng tự phải chịu. Ngay cả chuyện in thêm tiền chữa cháy ngân sách cũng được đề cập, khiến đồng xu dùng phổ biến trong dân ngày càng mất giá, đẩy lạm phát lên cao. Chuyện ghi sổ nợ thành cơm bữa. Người có tài kinh doanh không dám mở rộng vì lãi vay quá cao.

Cũng trong “Bộ chín cừ khôi” đó, là bộ mặt của các nhà thiện nguyện. Họ đều là nhân vật chính diện trong phim, và xét khía cạnh nào đó, là những anh hùng. Nhưng họ cũng đại diện cho một phần nhếch nhác của xã hội. Anh trồng trà có cái đầu lanh lợi nhưng cũng chỉ sáng ý mà lười hành động. Anh nấu rượu vì so đo cái danh trong gia đình mà hùng hồn lao vào cuộc. Anh trưởng làng sợ đời con “ăn mặn” mà tích cực tham gia. Anh đứng đầu tỉnh lúc đầu chính nghĩa lắm, nhưng cấp trên làm khó một chút là “rút đầu rụt cổ”, dưới cái lý do “xứng đáng địa vị của mình”. Anh thì muốn được ghi danh hậu thế trong sách truyền đời của nhà chùa mà đổi ý. Có anh mang tiếng “dựa hơi”, khi đóng góp dưới mức quy định cũng oai phong cho mình một vị trí trong Bộ chín. Không thể quên “anh ngân hàng” trở thành một biểu tượng keo kiệt, vắt cổ chày ra nước. Châm chọc thay, anh chủ lại là một người khuyết tật nhưng luôn cố tỏ ra là người bình thường, như thể lời chỉ trích nhẹ nhàng đến hệ thống ngân hàng hiện đại lắm bê bối mãi giải quyết không dứt.

Bộ chín cừ khôi gây ấn tượng sự táo bạo gợi tính tò mò. Trong cái nền chủ đạo con người bình thường làm ra kỳ tích giữa cái vẻ kham khổ, có cái vỏ bọc hóm hỉnh dí dỏm đặc trưng của đạo diễn Nakamura, sự nghịch ngợm thú vị của nhân vật, diễn xuất đơn giản mà có chiều sâu của dàn diễn viên, cùng khung hình nhẹ nhàng, mộc mạc mà xen lẫn nỗi xót xa cùng cực. Mặc dù có lúc lỡ sa vào thuyết giáo, lý tưởng hóa, đặt một chân cho sự khuôn sáo, Bộ chín cừ khôi vẫn có cái hài ngông tưng tửng, tiếng tự trào đầy tính khắc kỷ trong hài kịch rakugo Nhật Bản. Mượn chuyện tiền để kể về cái tình, dùng quá khứ để khéo bàn luận vấn đề đương đại, lấy cái biểu hiện ngô nghê dễ thương của nhân vật cùng khổ để ung dung, tự tại thay cho đời họ vẫn nhuộm tiếng cười.

Xem thêm:

Liên hoan Phim Nhật Bản: Hứa hẹn nhiều điều thú vị

Dead Poets Society: đi tìm “Tồn tại hay không tồn tại”

Ouija 2016: “Gọi hồn” giá trị gia đình và nền kinh tế

Human – một lời thức tỉnh nhỏ nhoi cho 7 tỉ công dân Trái đất

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/%e2%80%9cbo-chin-cu-khoi%e2%80%9d-muon-tien-de-noi-ve-tinh