Bờ biển ở xã đảo Tam Hải bị sóng đánh tơi tả

Trong nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa lũ lại xảy ra tình trạng sạt lở bờ biển tại khu vực thuộc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Mỗi năm bờ biển ở đây bị sóng đánh sạt lở, bị xâm thực sâu vào đất liền từ 5 – 10m đất; nhấn chìm nhiều nhà cửa, đất đai của người dân. Thế nhưng đến nay, các biện pháp phòng chống sạt lở đều chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Dù chưa có lũ lớn, nhưng trong những ngày qua, đoạn bờ biển dài khoảng 2km ở khu vực Cửa Lở thuộc thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Trên đường dẫn chúng tôi ra khu vực bị sạt lở, ông Võ Minh Công, thôn Bình Trung (xã Tam Hải) chỉ tay về khu đất đang bị nước biển xâm thực tỏ vẻ xót xa: Trước đây, khu vực này có đến 20 hộ dân sinh sống, nhưng năm 2005 trở lại đây, do bờ biển sạt lở nghiêm trọng, mỗi năm biển xâm thực vào đất liền từ 5 – 10m, nên hàng chục hộ dân phải di dời đi nơi khác sinh sống. Có nhiều hộ dân ở Bình Trung được chính quyền địa phương cấp đất và giao sổ đỏ tại khu vực này, nhưng đến nay, sổ đỏ vẫn còn nhưng đất… đã bị nước biển nhấn chìm.

Theo ông Công, hiện tại, nơi đây chỉ còn 2 hộ dân đang sống nhưng thấp thỏm lo âu vì biển chỉ cách nhà mình 10m. Chính quyền địa phương đã triển khai phương pháp kè mềm theo công nghệ Hà Lan nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết, tình trạng biển xâm thực tại các thôn Bình Trung và Tân Lập ngày càng nghiêm trọng. Khoảng 5 năm trở lại đây, tại khu vực bãi Nồm tình trạng xâm thực diễn ra rất mạnh. Trong 5 năm qua, biển đã lấn sâu vào đất liền hơn 30m…

Theo người dân địa phương cho biết, năm 2011, Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai đầu tư xây dựng hệ thống kè dài 1,8 km, với kinh phí khoảng 48 tỷ. Công trình hoàn thành bàn giao năm 2012, nhưng đến năm 2013, sóng đánh làm một đoạn kè khoảng 130m bị bung ra. Đến nay, đã nhiều lần kiến nhưng vẫn chưa khắc phục lại đoạn kè này.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Thịnh cho biết, tình hình sạt lở bờ biển tại xã đảo Tam Hải xảy ra từ lâu và đây là công trình vượt quá khả năng của địa phương, nên thời gian qua, lãnh đạo huyện đã kiến nghị nhiều lần với các cơ quan chức năng của tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Ông Thịnh cho rằng, tình trạng mất đất sản xuất do biển xâm thực tại xã Tam Hải ngày càng trầm trọng, nên tỉnh cần sớm có giải pháp bền vững hơn. Trong đó, đối với khu vực thôn Bình Trung cần tiến hành kè bằng bê tông hay tạo một dãy cây xanh để hạn chế sóng biển đánh. Còn đối với kè thôn Tân Lập thì đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư tiếp để kéo dài bờ kè này cho đến thôn 1 để hạn chế biển xâm thực vào đất liền.

Bờ kè thôn Tân Lập bị sóng đánh bung ra, chưa khắc phục được.

Được biết, trong khi các cấp chính quyền địa phương đang loay hoay tìm nguồn vốn để xây kè, thì người dân sống trong những khu vực bị sạt lở tại xã đảo Tam Hải cũng đang lo sợ vì mất nhà, mất đất. Tuy nhiên, với số tiền 20 triệu đồng hỗ trợ như hiện nay thì họ không có đủ khả năng để di chuyển nhà đến nơi ở mới. Do vậy, ngoài việc tiếp tục tìm nguồn vốn để xây kè chắn sóng chống xói mòn, xâm thực cho xã đảo Tam Hải, tỉnh Quảng Nam cần chú trọng trong công tác hỗ trợ để người dân có nơi ở mới ổn định lâu dài hơn…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31160902-bo-bien-o-xa-dao-tam-hai-bi-song-danh-toi-ta.html