Bộ ảnh 'chạm tới tim' của một đứa trẻ tự kỷ qua góc nhìn của người mẹ

Việc ghi lại những hình ảnh của cậu con trai mắc chứng tự kỷ giúp bà mẹ này chấp nhận mọi việc một cách đơn giản và bình thản hơn nhiều.

Nhiếp ảnh gia Ashleigh Raddatz, 31 tuổi, chuyển từ California đến sinh sống tại Đức từ 6 năm trước. Một năm sau đó, cô và người chồng Đức tên là Steffen, chào đón đứa con đầu lòng của mình, August.

Ngay từ những ngày đầu, Ashleigh đã cảm thấy có gì đó khác lạ ở cậu bé August. Dù mới chỉ là một em bé sơ sinh, nhưng các giác quan của cậu đều vô cùng nhạy cảm. Bất cứ thứ gì gây khó chịu dù là rất nhỏ cũng khiến cậu bé vô cùng khổ sở. Lúc August lớn dần lên, cậu bé hầu như không nói gì khiến cả nhà tưởng cậu bé bị điếc.

Sau nhiều năm theo dõi, đánh giá và can thiệp, August được chính thức chẩn đoán mắc chứngtự kỷ. Kể từ đó, Ashleigh đã ghi lại những khoảnh khắc hàng ngày của cậu bé August, những hoạt động lặp đi lặp lại mà cậu bé thường làm.

“Dự án này đã giúp tôi hiểu thêm được rất nhiều thứ. Tôi thường nghĩ nếu các cha mẹ có thể hiểu được những nhu cầu đặc biệt của con mình thông qua những bức ảnh như cách tôi đang nhìn con mình, họ sẽ chấp nhận mọi việc một cách đơn giản và bình thản hơn nhiều.”

Dưới đây là 22 bức ảnh tuyệt đẹp từ dự án đặc biệt của nhiếp ảnh gia Ashleigh Raddatz:

August, 5 tuổi, vừa chính thức được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ trong năm nay. Trước việc này, mẹ cậu đã từng bước chấp nhận sự thật rằng tương lai của con trai mình có thể sẽ khác đi một chút so với những gì cô đã tưởng tượng ra từ hồi August còn nằm trong bụng.

Ashleigh là một người Mỹ sống ở Đức, vì vậy khi August bị chẩn đoán tự kỷ, trong cô đã gợn lên một sự cô đơn, vì không có gia đình thân thuộc ở bên cạnh để cùng cô vượt qua chuyện này. Và việc chụp lại ảnh con trai đã giúp cô rất nhiều trong việc chấp nhận con mình là một đứa trẻ cực kỳ khác biệt.

Bác sỹ nói rằng có thể việc cậu bé chậm nói là do lớn lên trong một gia đình song ngữ, hoặc đến từ nỗi ám ảnh vì việc phải chơi cùng một cái nắm cửa trong ba giờ liền.

Bố của August ngay lập tức chấp nhận sự thật và phản ứng bằng cách liệt kê ra một danh sách những việc dài mà August có thể làm. Còn mẹ của cậu, không thể nào nhấc mình dậy khỏi giường trong 3 ngày liền.

Nhưng sau đó, một suy nghĩ đã khiến cô có thể thoát ra được sự buồn khổ: "Không có chuyện gì xảy ra cả, cứ coi như không có chẩn đoán nào hết đi, August vẫn luôn là August mà thôi. Thằng bé cũng có một tâm hồn và một con đường đi riêng mà biết đâu lại sẽ rất tuyệt vời. Điều này sẽ không bao giờ thay đổi. Đấy là August! Việc quan trọng là bố mẹ phải bao bọc con và cứ để mọi chuyện diễn ra tự nhiên thôi."

Những nghi thức, nhịp điệu và thói quen là một phần quan trọng trong cuộc sống của August. Bố mẹ cố gắng tạo thành một khung chắc chắn cho mọi việc có thể sẽ diễn ra trong ngày bình thường của cậu. Nhưng nếu biết có điều gì khả năng sẽ khác với nhịp sống hàng ngày, họ sẽ giúp August chuẩn bị làm quen từ trước.

Có những điều lặp đi lặp lại mà August thường làm mỗi ngày, giống như việc mặc một bộ đồ hóa trang hay đeo một chiếc mặt nạ.

Cậu cũng ghi nhớ những điều chắc chắn phải xảy ra. Ví dụ như buổi sáng, khi cậu bé lên xe buýt đến trường mẫu giáo, thì cậu khăng khăng rằng mẹ cậu sẽ ngó ra ngoài cửa sổ phòng bếp và nói rằng: "Mẹ sẽ đón con vào buổi chiều!".

Cậu cũng thường tập trung vào những thứ cực kỳ nhỏ, như biết rõ chi tiết nhỏ nhất trong bộ Lego của mình bị thiếu.

Khi có những chuyện buồn, August sẽ giấu và cố gắng che mắt mình lại. Đôi khi cậu sẽ tự làm xước hoặc tự đánh mình, đặt những ngón tay lên miệng và tạo ra những tiếng la hét dài và sâu.

Bình thường, bố mẹ sẽ cố gắng và khiến bé bình tĩnh hơn, cũng như ngỏ ý muốn được giúp đỡ. Nhưng có những lúc, cậu muốn bố mẹ lùi lại và được ở một mình với nỗi buồn. Bố mẹ chấp nhận mong muốn này, nhưng luôn để ý nếu con làm đau mình, họ sẽ ngay lập tức ngăn cản.

Nếu August khó chịu, cậu sẽ để hai tay lại với nhau, thi thoảng lần sờ các ngón tay hoặc đôi khi là vỗ tay.

Cậu cũng thường vắt hai chân hoặc đưa đầu gối lên gần sát ngực cho thoải mái.

Và khi August sợ hãi hay bị chấn động về tâm lý, cậu sẽ đưa hai tay đặt lên tai. Thỉnh thoảng, cậu cũng làm điều này để giải tỏa tinh thần.

August cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và những cấu trúc khác nhau. Ở trong các cửa hàng thời trang, cậu thường trốn sau đống quần áo, chỉ vì muốn lánh mình khỏi ánh đèn huỳnh quang.

Em trai Finnegan của August, gần 3 tuổi và là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường. August là một người anh tuyệt vời của Finnegan.

Khi còn bé, August rất dễ khóc và lúc nào cũng muốn được bế. Chắc vì thế mà bây giờ cậu thích được ôm ấp những người mà mình cảm thấy tin tưởng.

Khi August hạnh phúc, cậu thường ngẩng mặt lên, đầu hướng về phía bầu trời và thả lỏng mình.

Những dấu hiệu của các em bé tự kỷ là hoàn toàn khác nhau.

Hầu như đêm nào, cậu bé 5 tuổi này cũng có thể nói những câu 2 hoặc 3 từ. Cậu luôn trả lời: "Mẹ, con ở đây!" mỗi khi nghe tiếng mẹ gọi tên mình.

Việc ghi lại cuộc sống mỗi ngày của August cho thấy hành trình rất dài họ đã đi qua và có thể coi chúng như một phần mục đích trong cuộc sống của August.

Ashleigh bắt đầu tìm ra cách để chấp nhận việc con trai mình bị tự kỷ.

Giấc mơ của Ashleigh là August có thể tiếp tục lớn lên và học về những kỹ năng mới, trong khi vẫn không ngừng khám phá về thế giới xung quanh ngọt ngào và tuyệt vời như chính cậu bây giờ. Cô cũng hi vọng xã hội sẽ có những cách nhìn cởi mở hơn với trẻ tự kỷ, đặc biệt giữa bố mẹ và những đứa con của họ. Cuối cùng, Ashleigh hi vọng August có thể được đối xử bằng sự tôn trọng và cảm thông thật sự từ cộng đồng xung quanh mình.

Bức ảnh này có ý nghĩa cực lớn với Ashleigh và là một điều hạnh phúc bất ngờ đến. Đó là khi cô đang kiểm tra một chức năng trong chiếc máy ảnh và August bước đến, sà vào lòng mẹ. Hai mẹ con cùng cười và thậm chí còn làm những điều ngốc nghếch như nhau. Khi nhìn bức ảnh này lần đầu tiên trong máy tính, Ashleigh đã khóc. Cô tự hứa rằng sẽ luôn trân trọng nó, như tình cảm đặc biệt dành cho con trai mình

Nguồn: Huffingtonpost

Theo Linh Linh / Trí Thức Trẻ

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/me-va-be/bo-anh-cham-toi-tim-cua-mot-dua-tre-tu-ky-qua-goc-nhin-cua-nguoi-me-81536/