Bloomberg: Nga, Trung Quốc đang hình thành trung tâm quyền lực mới đối đầu Mỹ

Hãng tin Bloomberg đưa tin: Moscow và Bắc Kinh đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực với tư cách là hai cường quốc đối đầu với Mỹ.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Hãng này cũng thông tin thêm, trong những tháng gần đây, hai nước này đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau trong lĩnh vực quân sự như tổ chức tập trận hải quân chung lần đầu tiên trên biển Đông vào hôm 12/9 vừa qua.

Ngoài ra, hai nước cũng tìm thấy những điểm chung trong lĩnh vực ngoại giao, cụ thể là đồng loạt lên tiếng phản đối kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.

Ông Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Viễn Đông RAS cho biết: "Thực tế là cả hai quốc gia đã đề cập đến hành động chung ở lĩnh vực quân sự một cách rất nghiêm túc. Các tên lửa của Mỹ đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng, đẩy cả Nga và Trung Quốc tiến tới tái thiết lập quan hệ, và chính sách của họ chủ yếu là để ngăn chặn Hoa Kỳ".

Sự tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo - ông Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy hai bên liên lạc chính thức nhiều hơn trong lĩnh vực an ninh. Lần gặp mặt giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được tổ chức trong hai ngày 15, 16/10 vừa qua tại Ấn Độ, là cuộc gặp lần thứ tư trong năm qua, và là lần thứ 12 kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Theo lời Tổng thống Nga, thì hai nước Nga và Trung Quốc đã phát triển "một mối quan hệ đặc biệt tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau". Về phần mình, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng cả hai nước có quan điểm tương đồng về các vấn đề trọng điểm bao gồm Syria và Afghanistan.

Tổng thống Nga Putin

Có thể nhận thấy những dấu hiệu của sự tăng cường hợp tác ở các khía cạnh khác ngoài lĩnh vực ngoại giao, quân sự, cụ thể là Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc từ tháng Tám vừa qua. Ngoài ra thống kê của Hải quan Trung Quốc cũng ghi nhân sự tăng trưởng về kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, khi mà kim ngạch hợp tác giữa hai bên giảm xuống mức 29% tức là chỉ đạt 68 tỷ đô la.

Hãng tin cũng dẫn lời của bà Sarah Lane, một nhà nghiên cứu tại Viện Dịch vụ Hoàng gia London (Royal Institute United Services), cho hay: "Tôi tin tưởng rằng một sự hợp tác tích cực là rất quan trọng, nhưng cả Bắc Kinh và Moscow đang đặt lợi ích của chính mình là trung tâm".

Để thiết lập mối quan hệ quân sự với Nga, thì ông Tập Cận Bình cần phải vượt qua được quan điểm đã bén rễ sâu ở Trung Quốc đó là sự phản đối việc tham gia vào các hoạt động quốc tế. Thêm vào đó vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có muốn tích cực hỗ trợ Moscow trong các cuộc xung đột ở những nơi mà Trung Quốc không có nhiều lợi ích như tại Syria và Ukraine. Có thể với cuộc khủng hoảng ở Syria, Trung Quốc sẽ tuân thủ một quan điểm trung lập.

Ông Vu Chính, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á trực thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: "Chúng tôi đã cho người Nga biết rằng Trung Quốc là một nền kinh tế toàn cầu chứ không phải mạnh ở địa vị chính trị. Chúng tôi sẽ lựa chọn đối phó với từng vấn đề về các điểm nóng ở nước ngoài. Đối với chúng tôi thì Trung Đông là lĩnh vực không quen thuộc đối với người chơi trong một cuộc chiến toàn cầu…".

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bloomberg-nga-trung-quoc-dang-hinh-thanh-trung-tam-quyen-luc-moi-doi-dau-my-post211634.info