Bít lỗ hổng trợ giá xe buýt

Sau khi ĐTTC đăng tải bài viết “Ngăn chặn gian lận tiền trợ giá xe buýt”, TS. Phạm Sanh, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đã có cuộc trao đổi với ĐTTC để mổ xẻ thêm về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Xin ông cho biết quan điểm của mình về những sai phạm trong việc sử dụng ngân sách để trợ giá cho xe buýt?

TS. PHẠM SANH: - Để xảy ra tình trạng sai phạm hàng loạt trong việc sử dụng ngân sách trợ giá cho xe buýt kéo dài nhiều năm, là một việc hết sức nghiêm trọng. Ngay cả việc thực hiện kết luận thanh tra cũng kéo quá dài. Các cuộc thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm, đáng lý chuyển qua truy tố hình sự, nhưng kết luận của cơ quan chức năng TP lại có phần nương nhẹ, không cương quyết xử lý trách nhiệm cá nhân vi phạm. Xử lý sai phạm kiểu “giơ cao đánh khẽ” này khó làm gương cho các đơn vị cá nhân khác để lập lại trật tự kỷ cương trong điều hành, sử dụng ngân sách trong việc phát triển xe buýt tại TP.

Nguyên nhân chủ yếu do cách quản lý quá sơ hở, không chấp hành các quy định mang tính bắt buộc của pháp luật của Sở GTVT và Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP. Theo đó, suốt nhiều năm liền các cơ quan này đã không kiểm soát, không quyết toán khoản chi ngân sách khủng hàng ngàn tỷ đồng tiền trợ giá mỗi năm. Chưa kể các lỗi khác như không kiểm tra thực tế, quy hoạch chưa hoàn chỉnh, báo cáo thiếu trung thực về số liệu với UBND và HĐND TP. Lỗi này cũng có phần trách nhiệm không nhỏ của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư khi tham gia với Sở GTVT trong công tác đề xuất, thẩm định và kiểm tra quyết toán ngân sách hàng năm. Thực tế, vấn đề ngân sách trợ giá xe buýt luôn được đưa ra chất vấn tại các kỳ họp của HĐND TP, nhưng rồi đã không được giám sát chặt chẽ và giải quyết tới cùng, để xảy ra nhiều hệ lụy tiêu cực, lợi ích nhóm.

- Ngân sách trợ giá hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động xe buýt, trong khi khối lượng vận chuyển ngày càng sụt giảm, thậm chí theo dự báo năm 2016 tiếp tục không đạt về chỉ tiêu khối lượng vận chuyển đề ra. Ông có thể phân tích sâu hơn về nghịch lý này?

- Ngân sách trợ giá cho hoạt động xe buýt là chính sách đúng đắn theo thực tế và kinh nghiệm thế giới. Ban đầu cao, nhưng sau đó giảm dần khi phương tiện xe buýt (nói chung là giao thông công cộng) trở thành thân thiện, phổ biến của người dân, đồng thời huy động hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa cũng như năng lực quản lý của tư nhân. Hàng năm, ngân sách TPHCM trợ giá xe buýt trên 1.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt lại giảm mạnh theo từng năm và đến nay vẫn chưa có điểm dừng. Thực tế này cho thấy rõ chương trình (dự án) ngân sách trợ giá không hiệu quả, không đạt được mục tiêu kỳ vọng cho xe buýt.

Theo tôi, lỗ hổng lớn nhất là phương cách sử dụng và kiểm soát khoản tiền trợ giá. Đó là ngành GTVT không nhắm đến đối tượng trực tiếp hưởng trợ giá để phát triển bền vững xe buýt, trái lại đang trợ giá theo kiểu xin-cho thời bao cấp, mầm mống phát sinh tiêu cực và lợi ích nhóm trong giai đoạn chuyển sang kinh tế thị trường. Dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước quan liêu thiếu kiểm tra kiểm soát, doanh nghiệp và nhà đầu tư mất tính cạnh tranh thiếu năng động thậm chí lừa dối Nhà nước, hành khách đi xe buýt không thấy rõ ý nghĩa tác dụng việc trợ giá.

Bên cạnh đó phải bít ngay lỗ hổng trong thực hiện luật đấu thầu, công khai minh bạch, hạn chế tiêu cực trong đấu thầu, như thông thầu, hồ sơ mời thầu đặt ra nhiều điều kiện nhằm hạn chế doanh nghiệp tham gia. Tiến đến trợ giá trực tiếp cho người sử dụng, trợ giá trọn gói (thông qua đấu thầu và quản lý hợp đồng), giám sát hành trình. Để phát triển xe buýt còn nhiều việc khác phải làm như xây dựng khung pháp lý cho xe buýt (bổ sung luật giao thông và các quy chuẩn tiêu chuẩn), quy hoạch luồng tuyến khoa học, phát triển hạ tầng cho xe buýt như trạm dừng đường dành riêng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phương tiện.

- Để quản lý, sử dụng vốn ngân sách một cách chặt chẽ và hiệu quả, theo ông cần phải làm gì?

- Câu chuyện sử dụng vốn ngân sách không hiệu quả đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, thuộc dạng bài toán vĩ mô phức tạp cần giải quyết từng bước vững chắc. Tôi chỉ xin góp ý vài chuyện nhỏ: Văn bản pháp luật điều chỉnh hiện quá nhiều, nhưng khi xảy ra vụ việc có vấn đề tiêu cực lãng phí, tham nhũng lại không xử lý kiên quyết theo luật, đặc biệt đối với các cá nhân có trách nhiệm. Thí dụ, dự án nâng đường Kinh Dương Vương để chống ngập vừa lãng phí cả ngàn tỷ đồng vừa vô lý. Nhưng khi người dân phản ứng, TP chỉ giải quyết theo kiểu dĩ hòa vi quý. Biết bao nhiêu dự án tiền tỷ của TP bỏ ra cho chống ngập vậy mà vẫn ngập, trong khi không ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí trước dân.

Như vậy cần kiểm tra lại việc thực hiện pháp luật, công tác giám sát tại các dự án đầu tư công, cũng như việc xử lý cá nhân, tập thể vi phạm. Cần công khai minh bạch các quy hoạch, chương trình dự án đầu tư công để giảm thiểu lợi ích nhóm. Riêng trong hoạt động đầu tư xây dựng, kiên quyết xóa mối quan hệ lợi ích nhóm giữa chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp. Đặc biệt với các dự án hạ tầng vốn lớn, tính chuyên ngành cao, vai trò giám sát của HĐND hết sức quan trọng.

- Xin cảm ơn ông.

Tuấn Minh (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161105/bit-lo-hong-tro-gia-xe-buyt.aspx