Bình yên Thạnh Hải

Thật may, đường về Thạnh Hải bây giờ khá đẹp, phương tiện di chuyển thuận lợi, nhất là đoạn từ xã Giao Thạnh xuôi ra biển không còn phải lụy đò Cầu Ván như những năm trước.

Cũng khác hẳn cảnh vắng vẻ của cung đường chỉ cách đây vài năm, từng đoàn xe nối đuôi nhau, toàn xe hơi gia đình đời mới, xuôi về hướng biển Cồn Bừng.

Vùng đất giàu truyền thống

Mưa miền Tây, hay rộng hơn là mưa Nam Bộ, không dai dẳng như xứ Bắc, không dầm dề như đất Huế. Thiên nhiên cũng như con người, ào ào đó rồi lại lặng lẽ ngay, đang buồn buồn vậy thôi chứ rồi lại hồ hởi bua xua lúc nào chẳng hay.

Gần đến cửa biển cũng là lúc ánh nắng mặt trời lại chói chang. Hai bên đường hiện rõ dãy nhà mới khang trang chạy dài tít tắp, như minh chứng cho một sự đổi thay thật nhanh chóng, diệu kỳ trên vùng quê biển một thời được xem là vùng đất nghèo nhất của Bến Tre, nhưng lại có bề dày truyền thống cách mạng này.

Nghe chúng tôi nhận xét điều này khi dừng chân ở cửa biển Cồn Bừng, người bạn địa phương là anh Lê Hoàng Lắm, ngụ ấp 8, xã Thạnh Hải, bồi hồi cho biết: “Hồi chống Mỹ, xã biển này bom đạn tơi bời, đi lại chỉ là xuồng ghe, xung quanh là rừng bần, rừng đước.

Từ xã lên đến thị trấn Thạnh Phú trung tâm huyện, nếu không phải con nước, cũng chèo xuồng mất nửa ngày trời, ai có việc kíp lắm mới phải đi.

Cái nỗi đường xa là một chuyện, còn lo tụi Mỹ - ngụy chặn đường xét giấy làm khó, thậm chí có nguy cơ bị bắt giam nếu chúng nghi là du kích hay chỉ là ngứa mắt, đổ cho cái tội tình nghi nuôi giấu, tiếp tế cho Việt Cộng. Vậy nhưng dân xứ này trì lắm, vẫn một lòng đi theo Cách mạng đến ngày toàn thắng, dù cũng chịu nhiều mất mát, hy sinh…”.

Thắp mấy nén nhang tại Khu di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam (tọa lạc tại ngã 3 Thạnh Phong – Thạnh Hải) và ngôi mộ tập thể 21 thường dân vô tội bị quân Mỹ tàn sát hồi chiến tranh, trong đó có 2 thai nhi, chúng tôi hướng về khu bãi tắm Hàng Dương sau khi vượt qua rất nhiều cánh đồng nuôi tôm san sát theo tỉnh lộ.

Những trụ điện cao sừng sững như những chàng dũng sĩ khổng lồ canh giữ dãy đất cuối Cù Lao Minh này. Tại đây, chúng tôi bắt gặp những người thợ xây đang lao động cật lực trên Khu di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi lưu dấu hàng trăm lần những đoàn tàu “không số” tập kết vũ khí từ Bắc vào Nam.

Dừng tay nghỉ ngơi để tiếp chuyện đoàn khách tò mò, ông Trần Văn Bá, quê huyện Chợ Lách (Bến Tre), một trong những người thợ xây, hồ hởi cho biết:

“Chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành sớm tiến độ công trình xây dựng Khu di tích lịch sử này để đáp ứng tâm tư, tình cảm của người dân Thạnh Hải nói riêng, cả nước nói chung để tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ hải quân anh hùng. Mình là người con Bến Tre, quê hương mình có địa danh như vầy, lừng lẫy một thời như vầy, cũng tự hào lắm chớ”.

Đổi thay từ những cách làm hay

Những người bạn mới chúng tôi được tiếp xúc ở Thạnh Hải, sau dăm câu chuyện làm quen ban đầu, đã phấn khởi khoe ngay: Thạnh Hải bây giờ “sung” lắm, vì đường sá rất thông thương, du khách từ các địa phương như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Sài Gòn… đến với các bãi biển nguyên sơ là Hàng Dương và Tây Đô ngày càng nhiều do không phải “lụy phà” Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên như trước đây vì nay đã có cầu kiên cố.

Riêng ẩm thực thì các bạn không khoe, mà mời luôn khách thưởng thức. Mới biết đặc sản Bến Tre đâu chỉ có các sản phẩm từ dừa. Hải sản Thạnh Hải không thua kém bất kỳ vùng biển nào ở miền Tây này.

Nâng ly bia với bạn phương xa, anh Lê Hoàng Lắm giọng đầy tự hào đúng “chất” miền Tây: “Nói vậy chớ đến Thạnh Hải, nhậu hải sản, ngắm cảnh biển chỉ là một chuyện thôi. Cái quan trọng là phải đi thăm thú địa phương, vào các di tích. Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở xã này nhiều lắm”.

Ông Trương Thành Tâm, người khách lớn tuổi kế bên, cho biết, ông ở huyện Cầu Ngang của tỉnh Trà Vinh, nhưng đã sống ở Thạnh Hải này tới 20 năm với nghề sông nước.

“Xã này coi như quê hương thứ hai rồi. Nghề tui nói qua thì nhiều người không rành. Đó là nghề đóng đáy ở cửa biển. Cũng cực nhưng mà sống được. Chính quyền cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con yên tâm làm ăn. Cái chuyện cạnh tranh nghề là có, nhưng lành mạnh bằng uy tín chứ không phải kèn cựa bằng dao gậy như nhiều nơi.

An ninh nghiêm lắm. Tụi tui cũng làm quản lý an ninh luôn, tự giác thôi, có người lạ vô thấy nghi nghi là báo luôn chính quyền. Thế nên, vài năm nay, du lịch Thạnh Hải phát triển lắm, nhưng an ninh vẫn rất tốt, tệ nạn hầu như không có như nhiều nơi du lịch đang phát triển khác”.

Điều đáng phấn khởi là việc Đồn Biên phòng Cổ Chiên phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Thạnh Phú và các cơ quan, ban, ngành có liên quan tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã Thạnh Hải.

Đây là một trong những nội dung thực hiện Đề án Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn II của UBND tỉnh Bến Tre, trong đó tập trung các vấn đề trọng tâm như: Luật Bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Hình sự, Nghị định số 71 về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới, Nghị định số 157 xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản…

Cạnh đó, Đồn Biên phòng Cổ Chiên còn phối hợp với Xã đoàn Thạnh Hải tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển cho các hộ kinh doanh, buôn bán ở khu du lịch biển. Song song đó, Công an xã Thạnh Hải đã phối hợp với các lực lượng Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an huyện, các đội dân phòng và 81 tổ nhân dân tự quản thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

Với cách làm khoa học, quyết liệt, cùng cộng đồng trách nhiệm của các ban, ngành có liên quan, xã biển Thạnh Hải đã và đang là điểm đến văn hóa, văn minh, an toàn cho nhiều du khách gần xa.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/binh-yen-thanh-hai-2327863-b.html