Bình Thuận: Trường Thanh Nguyên không chấp nhận phá sản

Vụ phá sản và giải thể Trường mầm non - tiểu học Thanh Nguyên diễn biến phức tạp khi công ty chủ quản của trường không chấp nhận phá sản.

Một trường mầm non và tiểu học tư thục ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản do mất khả năng thanh toán và không có khả năng áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh. Tuy nhiên, công ty sở hữu ngôi trường này không chấp hành bản án vì cho rằng mình bị oan. Vụ việc đã gây ảnh hưởng đến việc học của hơn 1.000 học sinh theo học tại đây.

Cuộc họp báo tổ chức vào sáng 24/3 tại trường Thanh Nguyên.

Cuộc họp báo tổ chức vào sáng 24/3 tại trường Thanh Nguyên.

Sáng 24/3, Trường Mầm non - Tiểu học Thanh Nguyên (thành phố Phan Thiết) đã tổ chức họp báo về chuyện phá sản của công ty chủ quản. Bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Nguyên khẳng định công ty bà bị oan và cho rằng, Quyết định tuyên bố phá sản số 1 ngày 18/1/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết là sai.

Bà Dung nói: “Sai với Luật phá sản. Theo khoản 2 điều 4 Luật Phá sản giải thích, phá sản là tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Còn trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Nguyên là không có tình trạng mất khả năng thanh toán”.

Trước đó, thụ lý đơn khởi kiện của hội đồng chủ nợ với số tiền hơn 100 tỷ đồng, Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết đã tuyên bố phá sản Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Nguyên, đồng thời chấm dứt hoạt động, đình chỉ toàn bộ các giao dịch có liên quan đến doanh nghiệp này, chấm dứt toàn bộ các hợp đồng lao động.

Tòa án Phan Thiết giao Cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Phan Thiết và Quản tài viên Trần Đăng Minh thực hiện việc thanh lý và phân chia tài sản theo quy định.

Chiều qua 23/3, Quản tài viên Trần Đăng Minh (thuộc Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cùng lực lượng hỗ trợ đến thực hiện việc niêm phong, thanh lý tài sản. Do không chấp nhận việc phá sản, bà Đoàn Thị Dung cùng một số giáo viên, nhân viên nhà trường đã phản đối. Hai bên xô xát gây ra hình ảnh phản cảm.

Khi bà Dung ôm can xăng và nói là sẽ tự thiêu, lực lượng của quản tài viên đã dùng còng số 8 còng tay bà Dung, sau đó thả ra. Trước cảnh tượng này, học sinh và phụ huynh vô cùng hoang mang.

Hiện tại, trường Thanh Nguyên có hơn 800 học sinh bán trú ở hai bậc mầm non và tiểu học và hơn 300 học sinh theo học các chương trình ngoại ngữ và năng khiếu ngoại khóa.

Trường Mầm non - Tiểu học Thanh Nguyên bị TAND TP Phan Thiết tuyên bố phá sản.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết, trường tư thục Mầm non và Tiểu học Thanh Nguyên thuộc trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết.

Theo bà Thắng, thành phố Phan Thiết đã có đề xuất phương án chuyển học sinh của trường Thanh Nguyên qua học tại Trường tư thục Lê Quý Đôn vừa được xây dựng trên địa bàn.

Bà Thắng cho biết: “Nếu như trường Lê Quý Đôn không tiếp nhận được đủ hết học sinh thì khi đó, Sở sẽ chỉ đạo cho Phòng Giáo dục rà soát các trường trên địa bàn Phan Thiết là phải cố gắng để cho các em có chỗ học trong trường hợp trường bị giải thể theo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Bội Nhu, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Thiết, Phòng chỉ có thể hướng dẫn về chuyên môn, còn thời điểm giải thể lúc nào là thuộc quyền của Chi cục thi hành án và các cơ quan hành pháp. Chủ trương của thành phố Phan Thiết là giới thiệu học sinh của Trường mầm non và tiểu học Thanh Nguyên chuyển sang Trường tư thục Lê Quý Đôn đảm bảo cho các cháu tiếp tục việc học.

Vụ phá sản và giải thể Trường mầm non - tiểu học Thanh Nguyên diễn biến phức tạp. Việc duy trì chương trình học cho hơn 1.000 học sinh đang theo học tại đây đang được ngành giáo dục địa phương và Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết tìm phương án giải quyết./.

Việt Quốc/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/binh-thuan-truong-thanh-nguyen-khong-chap-nhan-pha-san-606362.vov