Bình Thuận: Đề xuất dùng bùn thải làm kè biển, không nhận chìm

PhapluatNet Liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh có nhiều công văn gửi các cơ quan T.Ư kiến nghị chuyển sang hình thức khác chứ không thực hiện nhận chìm.

Chiều 25/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp báo sơ kết tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Cuộc họp do ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, chủ trì.

Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã được đặt ra và cũng được lãnh đạo Bình Thuận cũng trả lời thẳng thắn.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Huỳnh Thái Dương, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, Tỉnh ủy đã có nhiều công văn, văn bản gửi các cơ quan T.Ư về việc này, trong đó kiến nghị chuyển sang hình thức khác chứ không thực hiện nhận chìm. Đối với việc mạo danh các nhà khoa học, tỉnh đang chờ trả lời của các cơ quan T.Ư.

Cuộc họp báo chiều 25/7.

Trả lời các câu hỏi liên quan, ông Hòa cho biết, việc nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu để các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, ông Hòa đặt vấn đề: Có nên nhận chìm ở khu vực 30 ha vùng biển dù đã có quy hoạch hay không?

Vị này cũng cho hay tỉnh Bình Thuận đã có đề nghị yêu cầu phải thận trọng, khoa học, hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hòa cũng thông tin thêm: “Hiện, vấn đề này đã ở tầm quốc gia. Trong nay mai, Thủ tướng, Ban Bí thư, các bộ, ngành trung ương sẽ vào cuộc và sẽ công khai, minh bạch. Tỉnh cũng đang tìm các phương án khác, trong đó ưu tiên một là lấn biển cho các dự án ven bờ. Đưa lên bờ thì không được rồi. Có thể là lấn biển, đê kè, thậm chí là xuất khẩu cát nhiễm mặn...”

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, sau khi Bộ TN&MT cấp phép cho Cty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm tại khu vực đảo Hòn Cau gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét khu quay tàu, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, đặc biệt là ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia.

Ngày 14/7, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản gửi Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng xin ý kiến chỉ đạo vụ nhận chìm bùn nạo vét ở Công ty và Tổng công ty phát điện 3 (chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4), nhằm có sự đánh giá một cách khách quan, toàn diện tác động đến môi trường.

Ông Hùng cho biết, Bình Thuận có giới thiệu đến phương án dùng bê tông cốt thép làm kè chắn lấn biển ở những khu vực bị sạt lở ven bờ, sau đó đổ chất nạo vét vào đây.

“Chúng ta để vật chất nạo vét vào trong những kè biển, một mặt chống xói lở, mặt khác giải quyết được chất nạo vét chứ không phải đưa xuống đáy biển, phương án này có nhiều mặt lợi hơn”, ông Hùng cho hay.

Chưa thể trả lời việc nhận chìm là đúng hay sai

Liên quan đến công văn của UBND tỉnh Bình Thuận tháng 7/2010 đồng ý cho Ban quản lý nhiệt điện Vĩnh Tân không cần đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở vị trí nhận chìm là đúng hay sai, ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, cho biết thời điểm trên ông chưa nhận công tác nên chưa thể trả lời.

Còn về việc có lập kế hoạch kiểm tra việc hoạt động trên biển và xử phạt công ty này hay không, ông Việt cho biết, Bộ TN&MT đang chờ thẩm tra toàn diện vùng biển này và chưa có quyết định giao mặt biển.

PGS - TS Nguyễn Tác An- Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho rằng đất, cát ở biển cũng là tài nguyên có thể san lấp làm nền, lấn biển, làm đảo nhân tạo… nhưng nguyên tắc là làm ở đâu, như thế nào?

“Việc san lấp phải thực hiện ở vùng ít động lực, không san lấp ở vùng cửa sông, vùng có hoạt động kinh tế về du lịch, khu vực nuôi trồng hải sản”- ông An giải thích. Theo ông, nguy cơ về ô nhiễm phóng xạ thì chưa xảy ra vì nhà máy chỉ mới hoạt động. Cái lo về môi trường hiện nay là khói bụi, xỉ than, nước giải nhiệt từ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện này.

Việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận đã dấy lên nhiều lo ngại.

Ngày 25/7, Viện Hải dương học Nha Trang đã có báo cáo kết quả khảo sát độc lập tại vùng biển Vĩnh Tân với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN. PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, đã trực tiếp báo cáo kết quả này với Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà.

Các kết quả mà ông Tuấn báo cáo là thông số kỹ thuật ở 13 địa điểm quan trắc trong giấy phép. Trong đó có cả kết quả khảo sát nước biển, độ lắng trầm tích, tầng bề mặt, tầng giữa và đáy biển nơi vị trí nhận chìm. Từ kết quả độc lập này, Bộ TN-MT sẽ so sánh với báo cáo ban đầu và đi đến quyết định cuối cùng.

Trước đó, như báo chí thông tin ngày 23/6, Bộ TN&MT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát thu được sau nạo vét khu quay tàu và vũng nước chuyên dùng trước nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Vụ việc đã gây ra những tranh cãi quyết liệt và dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến môi trường biển, đặc biệt là khu vực nhận chìm chỉ cách khu bảo tồn biển Hòn Cau 10 km.

Sau đó, nhiều nhà khoa học cùng nhiều người dân đã lên tiếng phản đối dự án trên. Hiệp hội nghề cá Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho phép đổ 1 triệu m3 bùn xuống vùng biển Bình Thuận.

Gia Tuệ (tổng hợp theo PLO, TPO, Thanh Niên)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/binh-thuan-de-xuat-dung-bun-thai-lam-ke-bien-khong-nhan-chim