Binh nhất 'phỏng vấn' Trung tướng

Trong Nhà truyền thống đơn vị, với tư thế nghiêm trang và tập trung, những chiến sĩ trẻ của Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) được cựu chiến binh, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, kể lại những câu chuyện lịch sử của một thời hào hùng.

Dù đã bước sang tuổi 96, nhưng ông Mậu vẫn minh mẫn. Trả lời câu hỏi của Binh nhất Trần Văn Quyết, nhân viên thông tin, Tiểu đoàn 10, Phòng Tham mưu về kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời, ông Mậu kể:

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu kể chuyện với cán bộ, chiến sĩ tại Nhà truyền thống Sư đoàn 361.

- Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất, cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất. Khi đang học lớp chính trị ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên), chiều 25-10-1951, chúng tôi được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Đây là lần đầu tôi được gặp Bác.

Theo lời ông Mậu, bấy giờ, cả lớp xếp thành 3 hàng ngang ở bên bờ suối để đón Bác. Cách dăm bước chân là đến chỗ lớp học tập trung, Bác Hồ đã hô: “Nghiêm!... Tất cả ngồi xuống!”, rồi Bác vui vẻ nói chuyện với lớp học. Bác nói về cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi của Đảng và nhân dân ta; rồi Bác ân cần dặn dò về nội dung, phương pháp học tập cho cán bộ, chiến sĩ. Sau này, ông Mậu còn được gặp Bác nhiều lần, nhưng kỷ niệm về lần đầu được gặp Bác Hồ đã đi theo ông suốt cuộc đời.

Đang mạch chuyện, bỗng giọng ông sôi nổi hẳn lên khi kể về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Như thể câu chuyện vừa mới diễn ra, ông Mậu kể lại từng chi tiết chiến đấu, từng chủng loại, số hiệu máy bay địch bị bắn rơi. Thấy vậy, Binh nhất Nguyễn Văn Linh (Trung đội Thông tin, Đại đội Chỉ huy, Trung đoàn 293) đặt câu hỏi:

- Thưa ông, năm nay đã gần đến tuổi “bách niên”, nhưng các sự kiện diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ, ông nhớ như in. Vậy ông có bí quyết gì để giữ trí tuệ của mình luôn minh mẫn ạ?

Đặt tay lên vai chiến sĩ trẻ và nở nụ cười hiền, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu chia sẻ:

- Cái để ghi nhớ được lâu dài chính là được trực tiếp tham gia chiến đấu, công tác trong điều kiện khó khăn, gian khổ với ý chí quyết tâm và trách nhiệm cao nhất. Điều quan trọng nữa là phải thường xuyên tự học, tự nghiên cứu. Năm nay tôi đã 96 tuổi nhưng mỗi ngày vẫn dành 2-4 tiếng đồng hồ để đọc sách, báo, viết tài liệu. Các cháu cũng vậy, để ghi nhớ những câu chuyện của hôm nay thì mỗi người phải hăng say công tác, học tập, rèn luyện…

Cuộc trò chuyện tuy không dài, nhưng qua sự “tiếp lửa” của cựu chiến binh, các chiến sĩ trẻ đã hiểu thêm về truyền thống của dân tộc và quân đội; nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mỗi chiến sĩ với đơn vị.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/binh-nhat-phong-van-trung-tuong-508868