Bình luận: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng

(VOH) - Không phải đến bây giờ mà cả chục năm nay, người dân và các cơ quan chức năng rất bức xúc và cảnh báo về sự ô nhiễm trầm trọng môi trường sẽ tác động đến sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.

Hàng ngày, hàng giờ chúng ta đang phải chung sống với những tiềm ẩn về nguy cơ bệnh tật do môi trường ô nhiễm gây ra. Có những nơi, những khu vực mà mức độ ô nhiễm nghiêm trọng đến mức mà không ai tưởng tượng nổi. Theo khảo sát của cơ quan chức năng khi lấy mẫu nước ở kênh Ba Bò phân tích thì vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép đến 11.000 lần. Chưa hết, theo báo cáo của cơ quan chức năng, TP Hồ Chí Minh có nồng độ bụi trong không khí gấp 6 lần so với mức cho phép. Tổng lượng hạt bụi đo được từ khí thải khoảng 60.000 tấn/ năm. Mới đây, 23.000 tấn cá ở Đồng Nai đã bị chết do nước sông bị ô nhiễm. Quả là kinh khủng! Nguyên nhân của tình trạng này trước tiên là sự vô trách nhiệm và chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá. Bất chấp sự đe dọa cuộc sống của các doanh nghiệp đã thải các chất độc chưa qua xử lý ra môi trường. Ô nhiễm môi trường đang từng ngày, từng giờ đe dọa cuộc sống và sức khỏe của mỗi chúng ta. Ô nhiễm môi trường cũng đang từng ngày, từng giờ, gây hậu quả thiệt hại cả về kinh tế và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững. Chúng ta không thể vì lợi ích cục bộ ở doanh nghiệp mình, địa phương mình, tự làm hủy hoại dần môi trường sống của mình. Các doanh nghiệp và địa phương cần nâng cao ý thức của mình với trách nhiệm xã hội, không thể vì lợi ích trước mắt làm ảnh hưởng, để lại hậu quả lâu dài cho xã hội. Cùng với nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ môi trường thì đi kèm theo đó, các giải pháp xử lý, chế tài các vi phạm gây ô nhiễm môi trường cần nghiêm khắc, không thể viện lý do này khác để xử nhẹ. Vừa qua, chỉ vụ Công ty Vedan mà dây dưa hai năm nay vẫn xử lý chưa xong việc đền bù thiệt hại cho dân do gây ô nhiễm môi trường là một ví dụ. Sự dây dưa kéo dài này phải chăng chúng ta còn nhẹ tay. Hậu quả gây thiệt hại cho bà con sống hai bên bờ sông ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đã được các cơ quan chức năng kết luận khoa học nhưng Công ty Vedan lại còn mặc cả với nông dân và chỉ chịu hỗ trợ 1/10 số thiệt hại thực tế. Chúng ta cần khẳng định, hậu quả do Vedan gây ra cho nông dân, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng thì phải bồi thường, không có cái gọi là “hỗ trợ thiệt hại” ở đây. Sự vi phạm luật môi trường và bằng thủ đoạn tinh vi của Công ty Vedan cần được xử lý theo qui định của pháp luật. Ô nhiễm môi trường và hậu quả của nó ai cũng thấy. Trách nhiệm giải quyết việc này không chỉ riêng ai mà là của cả cộng đồng xã hội mới hi vọng sớm lấy lại sự trong sạch môi trường sống của mình. Sơn Hải

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=19487