Bình Định đề xuất Chính phủ hỗ trợ 300 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ Phóng to Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm hỏi, thị sát vùng lũ Bình Định. Ảnh: Tuổi trẻ.

Lũ chồng lũ liên tục trong thời gian ngắn đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh Bình Định. Để khắc phục hậu quả, tỉnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ 300 tỷ đồng.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 9/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm hỏi, thị sát vùng lũ Bình Định và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Tại đây, Phó Thủ tướng đã chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cá nhân ông đến tất cả người dân đang gánh chịu hậu quả của những cơn lũ xảy ra trong thời gian qua, gửi lời chia buồn đến các gia đình có người chết, bị thương, bị thiệt hại nặng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm hỏi, thị sát vùng lũ Bình Định. Ảnh: Tuổi trẻ.

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định báo cáo Phó Thủ tướng, trong tháng 11 và đầu tháng 12/2016, tại Bình Định xảy ra 3 đợt lũ, gây ngập lụt sâu toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Toàn tỉnh đã có 16 người chết, 5 người bị thương, 225 căn nhà sập hoàn toàn, 120 nhà tốc mái, gần 24.000 lượt nhà bị ngập lụt… Hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê điều và sản xuất bị thiệt hại nặng nề với tổng giá trị ước tính 795 tỷ đồng.

Trước thiệt hại, mất mát quá lớn do đợt lũ chồng lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 300 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ trước mắt.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà nhân dân vùng lũ Quảng Ngãi.

Phó Thủ tướng chia sẻ, động viên ông Huỳnh Ngọc Phú, thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Ảnh: TTXVN.

Theo báo Thanh niên, tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 7 tỷ đồng để mua khoảng 250 tấn giống lúa, 20 tấn giống rau các loại hỗ trợ nhân dân sản xuất vụ Đông Xuân, 300 tấn gạo để kịp thời cứu trợ nhân dân vùng lũ; 5 tấn ClominB, 10.000 viên Aquatabs và 100 cơ số thuốc để khám, chữa bệnh cho nhân dân, khử trùng, vệ sinh môi trường vùng lũ.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, Quảng Ngãi là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề với 10 người chết, 4 người mất tích. Mưa lũ cũng làm hàng chục nhà bị đổ sập và hư hỏng nặng; trên 1.800 nhà bị ngập lụt.

TTXVN cho biết, toàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 700ha lúa và trên 3.500ha hoa màu bị thiệt hại; hơn 620ha diện tích cây trồng hằng năm bị hư hỏng. Mưa lũ trong những ngày qua đã làm quốc lộ 24, 24C và đường liên tỉnh, liên xã bị sạt lở hàng chục điểm...

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng khắc phục công trình hư hỏng, 5 tấn ngô, 150 tấn lạc, 10 tấn đậu cove làm giống...

Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

"1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

(Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/binh-dinh-de-nghi-ho-tro-300-ty-dong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-a173444.html