Bình Định: Bức bách chuyện thu gom, xử lý rác thải

Do chưa đầu tư xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải tập trung đúng chuẩn nên việc thu gom rác thải trên địa bàn huyện Hoài Ân gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi lượng rác thải sinh hoạt ngày một tăng cao thì khâu thu gom chỉ ở mức cầm chừng, khiến người dân vứt rác thải bừa bãi nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường.

Rác vứt bừa bãi tại các địa phương thuộc huyện Hoài Ân

Rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường

Gần đây, tình trạng người dân đổ các loại rác thải và vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường diễn ra phổ biến tại các địa phương trong huyện Hoài Ân. Nhất là ven các tuyến giao thông nông thôn hoặc ven các bãi đất trống thuộc địa bàn các xã Ân Phong, Ân Tường Tây, Ân Đức, Ân Thạnh, Ân Mỹ…bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe của chính người dân. Đáng nói, ngay tại một số khu vực dân cư thuộc thị trấn Tăng Bạt Hổ, những bãi rác tự phát cũng khá nhiều, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Nguyên nhân cũng do một bộ phận người dân chưa ý thức được tác hại của việc đổ rác, vứt xác súc vật bừa bãi ra môi trường. Nhưng nguyên nhân chính là dịch vụ thu gom rác chưa “phủ sóng” đến các xã. Còn trên địa bàn thị trấn Tăng Bạt Hổ, việc thu gom rác thải cũng chỉ bó hẹp tại một số tuyến đường chính, trung tâm, khu vực chợ Mộc Bài, khu vực Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân. Điều này khiến người dân tự “quy hoạch” bãi rác ngay bên lề đường, đầu cầu, bụi rậm, kênh mương…để “xử lý” lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày.

Ông Nguyễn Văn Phong, người dân ở xã Ân Tường Tây, trần tình: “Lượng rác thải sinh hoạt thải ra ngày một nhiều, trong khi việc thu gom rác chưa triển khai ở vùng nông thôn nên bà con đành tự “xử lý” chôn hoặc đốt trong vườn nhà, nhưng cũng sợ ảnh hưởng lâu dài về sau, nên nhiều người chọn cách cho tất cả rác vào bao tải rồi mang đi vứt ở những nơi cách xa nhà”.

Ông Trần Xuân Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh, cho rằng: “Hiện nay, UBND huyện Hoài Ân giao các xã tự thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư. Nhưng địa phương chưa đủ năng lực để thực hiện việc này nên chủ yếu vận động, tuyên truyền bà con đào hố chôn lấp rác hoặc tập trung thành đống rồi đốt. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều bà con vẫn đổ rác, vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi ra môi trường”.

Cần giải pháp bền vững

Theo ông Nguyễn Văn Rô - Phó Trưởng phòng TNMT huyện Hoài Ân: Trên địa bàn huyện chưa có bãi tập kết, xử lý rác tập trung được đầu tư xây dựng đúng chuẩn. Từ năm 2012 đến nay chỉ sử dụng các bãi tập kết, xử lý rác tạm thời, hoạt động được thời gian ngắn lại đóng cửa nên chưa thể triển khai rộng rãi dịch vụ thu gom rác thải đến các địa phương. Thực tế này khiến nhiều người dân tự “xử lý” rác bằng cách vứt bừa bãi ra môi trường.

Được biết năm 2009, UBND huyện Hoài Ân tiến hành khảo sát, lên phương án và lập hồ sơ xây dựng Bãi xử lý rác Hóc Trưởng (thuộc thôn Diêu Tường, xã Ân Hảo Đông) để phục vụ nhu cầu thu gom, xử lý rác trên địa bàn huyện, nhưng một số người dân địa phương cương quyết phản đối vì lo ngại ô nhiễm môi trường nên bị “tắc” từ đó đến nay.

Năm 2012, huyện Hoài Ân mở tạm bãi xử lý rác tại khu Gò Bông (thuộc xã Ân Tường Tây), nhưng chủ yếu phục vụ thị trấn Tăng Bạt Hổ và cuối năm 2015 cũng phải đóng cửa. Đầu năm 2016, mở tạm bãi xử lý rác tại thôn Gia Chiểu 1, thị trấn Tăng Bạt Hổ nhưng 6 tháng sau cũng phải đóng cửa.

Ông Bành Quang Châu - Hạt trưởng Hạt quản lý giao thông và đô thị huyện Hoài Ân, cho biết: Sở dĩ đóng cửa các bãi xử lý rác tạm là do một số người dân địa phương cho rằng bãi rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nên cương quyết phản đối. Trước kia, khi bãi xử lý rác Gò Bông chưa đóng cửa, ngoài thu gom rác tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, Hạt còn thu gom ở một số khu dân cư lân cận thuộc xã Ân Thạnh, Ân Tường Tây.

Hiện nay, huyện mở tạm bãi tập kết, xử lý rác tại khu vực Cụm công nghiệp Du Tự (thuộc thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ) để giải quyết nhu cầu thu gom cấp thiết trước mắt. Do năng lực, công suất xử lý có hạn nên việc thu gom rác chỉ giới hạn ở một số tuyến đường chính thuộc trung tâm thị trấn Tăng Bạt Hổ và khu vực chợ Mộc Bài, Trung tâm Y tế huyện, Hạt tổ chức thu gom 4 ngày/tuần vào các thứ 3, 4, 6 và 7.

“Trước mắt, các địa phương và ngành chức năng cần vận động người dân tự xử lý rác bằng cách phân loại, rồi sau đó chôn lấp hoặc đốt. Đây chỉ là giải pháp tình thế, còn lâu dài huyện và tỉnh cần sớm đầu tư xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải tập trung theo đúng tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thu gom rác thải, tránh tình trạng người dân vứt rác bừa bãi như hiện nay”, ông Châu cho biết.

C.Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/binh-dinh-buc-bach-chuyen-thu-gom-xu-ly-rac-thai-299874.html