Bình Chánh, TP.HCM: Chia thừa kế chưa thỏa đáng?

Ngôi nhà nằm trên diện tích 322m2 bị bà Oanh độc chiếm sau khi chồng mất, khiến các người con riêng của chồng bức xúc, yêu cầu phân chia theo đúng quyền thừa kế.

Trước đây, cha mẹ bà Võ Kim Hường, Võ Kim Thương, Võ Kim Lệ và Võ Kim Thu (bà Thu đã mất, không có gia đình) tạo dựng được nhà trên diện tích đất 322m2, tại số C8/3, ấp 3, xã Bình Chánh huyện Bình Chánh, TP.HCM). Sau khi mẹ các bà mất thì cha là ông Võ Văn Thanh dẫn bà Lê Thị Oanh về sống chung tại ngôi nhà này và sinh được 6 người con khác.

Bà Võ Kim Hường trình bày sự việc.

Năm 2011 ông Thanh mất không để lại di chúc thì bà Oanh vẫn độc chiếm nhà đất cho riêng mình. Khi chị em bà Hường yêu cầu chia đất ở thì bà Oanh kiên quyết từ chối. Đã thế, bà Oanh còn yêu cầu chị em bà Hường ký tên để bà toàn quyền cho đất các con riêng của bà.

Phần thừa kế chỉ bằng vài chục tô phở

Vì vậy, sau đó bà Võ Kim Hường (ngụ E1/1, đường Nguyễn Hữu Trí, KP5, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã thay mặt hai người chị em của mình khởi kiện bà Lê Thị Oanh ra tòa tranh chấp di sản thừa kế. Bà Hường yêu cầu bà Oanh phải chia cho chị em bà mỗi người 50m2 đất để cất nhà làm nơi cúng giỗ mẹ. Trong khi trình bày với tòa bà Oanh và các người con của bà không đồng ý với lý do tài sản này là của riêng bà Oanh.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17/8/2017, đại diện VKSD huyện Bình Chánh là ông Phạm Tấn Hải (kiểm sát viên tại tòa) sau khi nghiên cứu hồ sơ đã phát biểu: “Đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hường, bà Thương bà Lệ, vì có căn cứ pháp lý”... Tại bản án số 62/2017-DS-ST phát hành ngày 24/8/2017, TAND huyện Bình Chánh nhận định, lời trình bày của bà Oanh và các con riêng của bà là không có căn cứ vì không cung cấp được tài liệu, giấy tờ gì để chứng minh.

Trong khi theo công văn số 504 của UBND huyện Bình Chánh ngày 1/4/2005 phúc đáp theo yêu cầu tòa thì xác định nhà đất trên có nguồn gốc là do ông Thanh kê khai. Theo đó quyền sở hữu nhà đất là của ông Thanh chứ không phải của bà Oanh. Tuy nhiên theo tòa diện tích đất chỉ là hơn 287 m2 chứ không phải 322m2 như trình bày của chị em bà Hường. Cũng theo tòa, ngoài bốn chị em bà Hường thì ông Thanh còn có sáu người con khác với bà Oanh nên tòa chia phần di sản này thành 10 phần bằng nhau tương đương với 28,7m2/phần. Tuy nhiên phần diện tích của ba chị em bà Hường nhỏ nên tòa quy ra giá trị tiền tương đương với hơn 30 triệu đồng/người. Từ đó tòa tuyên buộc phía bà Oanh phải trả lại phần giá trị đất trên để được quyền ưu tiên sở hữu nhà đất là di sản thừa kế.

Chỉ cần nơi cúng mẹ

Ba chị em bà Hường năm nay đã lớn tuổi nhưng cuộc sống vô cùng khó khăn, đều được coi là hộ nghèo ở địa phương. Họ cho biết, dù nghèo nhưng vẫn đấu tranh để giành lại sự công bằng của pháp luật. Việc đặng chẳng đừng mới phải kiện mẹ kế ra tòa để đòi đất, nhưng không đòi thì bà Oanh sẽ càng lấn tới, tiếp tục có thái độ không tôn trọng các bà.

Hoàn cành khó khăn của chị em bà Hương được chứng minh qua việc trước khi mở phiên xử sơ thẩm, vào ngày 25/7/2017 thẩm phán Hồ Thị Thành Loan (TAND huyện Bình Chánh) đã phải làm biên bản giải thích và hướng dẫn các bà để được trợ giúp pháp lý miễn phí. Theo đó thẩm phán Loan đã giới thiệu các bà đến Trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí thuộc Sở Tư Pháp TP.HCM tại địa chỉ 470, Nguyễn Tri Phương, quận 10 để được trợ giúp miễn phí theo diện hộ nghèo quy định tại Điều 10, Luật Trợ giúp pháp lý và Điều 2 Nghị định số 07 ngày 12/1/2007 của Chính phủ).

Bà Hường than thở: “Sau khi mẹ mất, chúng tôi đều lập gia đình riêng, nhưng ai cũng nghèo khổ. Dẫu biết thừa kế thì phải theo pháp luật, nhưng tòa án cấp sơ thẩm quy từ đất ra tiền với giá trị như thế thì không ổn. Ba chị em chúng tôi muốn có một phần đất tương xứng để cất ngôi nhà nhỏ làm nơi cúng mẹ. Chúng tôi nghèo nhưng không cần số tiền mà tòa đã chia một cách thiếu khách quan và công bằng như trong bản án sơ thẩm số 62/2017-DS-ST ngày 24/8/2017 của TAND huyện Bình Chánh…”.

Tại bản tự khai ngày 28/10/2004 gửi tòa bà Hường cho rằng, nhà đất trên có nguồn gốc do mẹ bà trực tiếp tạo dựng. Năm 1968 sau khi mẹ bà mất thì ông Thanh mới sửa sang lại để sử dụng. Sau đó năm 1980 ông Thanh đã tự dẫn bà Oanh về ở cho đến ngày nay và sinh thêm 6 người con. Chị em bà Hường không có đất ở, phải đi thuê nhà nhưng khi đưa ra ý định xin đất cất nhà thì bị bà Oanh xua đuổi, khinh rẻ. Vì thế sau khi suy nghĩ ba chị em bà đã quyết định khởi kiện ra tòa.

Cũng tại đơn khởi kiện bà Hương còn viết: “Năm 1980 cha tôi mang bà Lê Thị Oanh về sống trong nhà mẹ chúng tôi tạo dựng nhưng chúng tôi bị bà Oanh hành hạ, phải ra đường. Hiện tại bà Oanh có ý định chiếm đoạt khối tài sản là di sản này…”.

Còn bà Võ Kim Lê thì trình bày sau phiên xử sơ thẩm: “Tôi đã kháng cáo toàn bộ bản án của TAND huyện Bình Chánh vì chúng tôi cần nhận lại đất hương hỏa của cha mẹ đã mất bao công sức mới tạo dựng được. Nếu không tính giá trị căn nhà thì tòa cũng phải chia cho ba chị em chúng tôi ít nhất mỗi người 50m2 đất, chứ không thể tính là hơn 28m2 và quy ra số tiền rẻ mạt như thế được. Mẹ con bà Oanh không xứng đáng để được chia thừa kế di sản của cha mẹ chúng tôi để lại. Đã vậy họ còn không biết ngại khi nói nhà đất này do họ tự tạo dựng…”.

Lâm Thanh Phong- A.D

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/binh-chanh-tphcm-chia-thua-ke-chua-thoa-dang-p54355.html