'Biểu diễn dự giờ' làm mệt cả thầy và trò

Chẳng giáo viên nào lại thích “diễn” khi dự giờ vì vừa mất thời gian chuẩn bị, gà bài, dạy thử mà tiết học lại nhàm chán, thiếu tự nhiên.

LTS: Cô giáo Thuận Phương chia sẻ câu chuyện “hậu trường” của những buổi “biểu diễn dự giờ”.

Theo đó, mỗi khi có tiết dự giờ là cả thầy và trò đều mệt mỏi vì phải mất công chuẩn bị, phải diễn đi diễn lại nhiều lần.

Cô giáo cũng nêu ra những lý do khiến việc dự giờ chỉ mang tính hình thức, không có giá trị thực chất.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

Nói đến dự giờ bất kể đã là giáo viên đều cũng cũng hiểu, tiết học dự giờ dạy và học thì ít mà “diễn” lại quá nhiều.

Bởi thế, không chỉ giáo viên biết “diễn” mà học sinh “diễn” cũng đã trở thành kĩ năng, kĩ xảo đến nỗi nhiều thầy cô cũng phải phục lăn.

Trong các tiết học hàng ngày, nhiều khi thầy cô hét đến khản hơi, lạc cả giọng nhưng học sinh vẫn không trật tự để học bài.

Giáo viên và học trò đều mệt mỏi vì phải diễn khi dự giờ. (Ảnh: Zing.vn)

Mỗi lần họp nhóm cũng chỉ vài ba em có lực học tốt nhất chịu khó làm và hợp tác với bạn trong nhóm. Còn học sinh khác ngồi chơi, nói chuyện hay chọc ghẹo bạn.

Ấy thế mà hôm nào có tiết dự giờ (kiểu dự đột xuất) nên thầy cô không biết để kịp dặn dò thì hầu như cả lớp cũng tự biết phải tỏ ra học tập thật chăm chú, thật ngoan ngoãn.

Các em trao đổi, thảo luận với nhau thật rôm rả, có em còn biết nêu câu hỏi ngược với giáo viên. Nhìn vào lớp học như thế, ai lại chẳng thích, chẳng có thiện cảm và khen ngợi cơ chứ.

Diễn nhiều hay ít tùy cấp dự giờ

Giáo viên thường xuyên được dự giờ nhưng “diễn” nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cấp dự giờ.

Nếu là dự giờ cấp Tổ (chỉ giáo viên trong tổ chuyên môn dự với nhau) thầy cô chỉ nhắc nhở, dặn dò học sinh về xem bài, tập trả lời câu hỏi trước. Giáo viên hầu như không “diễn” vì ai cũng hiểu nhau nên phần lớn họ dạy thật.

Nhưng cấp Tổ mà có đại diện Ban giám hiệu dự, giáo viên phải có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

Như việc hướng dẫn học sinh một số nội dung khó của bài, chuẩn bị thêm một số đồ dùng dạy học để tiết học sinh động hơn.

Dự giờ cấp trường, học sinh gần như được làm trước, làm thử, để giáo viên còn canh thời gian xem có phù hợp.

Nhiều bài tập khó, câu trả lời khó cũng được thầy cô mớm trước để tiết học diễn ra thật suôn sẻ.

Với những tiết dạy thao giảng cụm , dạy cho cấp Phòng, cấp Sở dự giờ thì việc chuẩn bị tiết dạy không còn gói gọn ở thầy và trò mà chính Ban giám hiệu cũng phải “vào cuộc” bằng cách duyệt trước thiết kế, cách triển khai bài dạy.

Có trường, Ban giám hiệu cùng tổ cốt cán dự giờ dạy trước để góp ý, rút kinh nghiệm cho hôm dạy thật đỡ bị chê này chê nọ.

Đến ngày dạy, hết giáo viên lại đến Ban giám hiệu dặn dò: “Các con phải ngoan, học tốt thầy (cô) sẽ phát bánh để thưởng”. Cứ như kiểu có người dự giờ mới thế còn học bình thường thì sao cũng được.

Chẳng hạn, dạy các dạng bài sử dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, từng câu hỏi dự đoán, cách trả lời câu hỏi, giáo viên phải “gà đi gà lại” vài lần cho các em nắm chắc, nhớ rõ để hôm dự giờ còn biết làm.

Hay các thí nghiệm trong môn Khoa học chẳng hạn bài “Một số cách làm sạch nước” (Khoa học 4). Giáo viên cùng học sinh phải làm thí nghiệm trước vài lần để đến hôm dự giờ chỉ là thao tác lại…

Có giáo viên kĩ tính nên sợ tiết dạy gặp sự cố sẽ mất uy tín nên ngày nào lên lớp cũng luyện cho học sinh đến nỗi các em thuộc đến từng câu hỏi, từng cách trả lời… Cho nên nhiều lúc cô chưa hỏi tới trò đã trả lời tuốt tuột.

Vì sao phải “diễn”?

Chẳng giáo viên nào lại thích “diễn” như thế, vì vừa mất thời gian chuẩn bị, gà bài, dạy thử mà tiết học lại nhàm chán, thiếu tự nhiên.

Nhiều phần bài tập, nhiều câu hỏi học sinh sẽ không thể làm được trừ khi thầy cô phải giảng đi giảng lại.

Và ngặt nỗi, nếu dạy thật, học thật như thế tiết học không chỉ dừng 35 phút mà lên tới 60 phút cũng nên.

Lúc đó, thầy cô giáo ấy sẽ bị mang tiếng là dạy dở, dạy kém, sử dụng phương pháp chưa hiệu quả, hình thức tổ chức lớp học chưa hợp lý...

Nói thế sẽ có không ít người thắc mắc: “Tiết học đã được định biên 35 phút có cộng trừ thêm 5 phút. Vậy cớ gì giáo viên dạy cháy thời gian?”.

Thực tế thì những cán bộ đi dự giờ như Ban giám hiệu, chuyên viên cấp Phòng, cấp Sở góp ý tiết dạy rất hay nhưng họ lại chẳng thể nào mang góp ý ấy để dạy được một tiết thật sự trên lớp.

Vì thế, những yêu cầu họ đưa ra cứ như trên mây mà giáo viên không “gà bài, mớm bài” trước sẽ chẳng bao giờ thực hiện được.

Mục đích của việc dự giờ là để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy lẫn nhau nhưng với cách chuẩn bị rất công phu cho một tiết dạy như thế chẳng thể học được gì.

Đó là chưa muốn nói mất thời gian quá nhiều cho việc chuẩn bị bài của cả thầy và trò một cách vô ích.

Thuận Phương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bieu-dien-du-gio-lam-met-ca-thay-va-tro-post175258.gd