Biết bao người vì vợ giỏi vợ hay mà chồng thành người khác hẳn!

Những lần K đến chỗ chị em cháu, hay khi đi ăn với nhau, cháu thấy không hài lòng lắm. Đúng hơn cháu thấy băn khoăn. Cháu chỉ đưa K về giới thiệu với ba mẹ khi cháu thấy an lòng về anh...

Cô kính mến!

Chúng cháu cùng là dân tỉnh lẻ lên thành phố học và ở lại khởi nghiệp. Hai trường đại học khác nhau, bắt đầu để ý nhau từ những lớp ngắn hạn khởi nghiệp của một ngôi trường nhỏ nhưng uy tín. Gặp nhau ở ý chí, quyết đi con đường chưa ai từng đi và rồi sẽ thành lối, ít nhất cũng là ngã rẽ của chính mình.

K hơn cháu 2 tuổi, hai nhà cùng là gia đình nông dân nhưng làm ăn lớn, có nông trại. Cháu là dân sông Tiền còn K ở TN, miền Đông. Bầm dập tìm một chỗ đứng ở nơi người đông như kiến, chúng cháu phục nhau dù cả hai đều có hậu phương vững mạnh.

Chúng cháu không sống thử như cánh trẻ sinh viên. Cháu đủ trưởng thành để biết bước vào sống thử thì dễ nhưng ít ai đi đến cuối con đường, cháu thấy họ chán nhau sớm. Và cháu độc lập, rất độc lập, K nể cháu ở điểm đó. Vả lại cháu là chị cả, dưới còn em trai và em gái, chúng nó đều đang đi học ở chỗ nhà ba mẹ thuê cho các con ăn học.

Những lần K đến chỗ chị em cháu, hay khi đi ăn với nhau, cháu thấy không hài lòng lắm. Đúng hơn cháu thấy băn khoăn. Cháu chỉ đưa K về giới thiệu với ba mẹ khi cháu thấy an lòng về anh. Cũng như cháu sẽ về ra mắt nhà K khi cháu đã quyết định đi tới. Có những thứ thuộc về tiểu tiết nhưng nó rất quan trọng đúng không cô? Ví như ăn hơi kêu, ợ không giữ ý, uống nước mà như thể súc miệng, rồi cách ngồi cách đi cách đứng. Lại còn nói ngọng chữ tr và chữ r nữa cô. Dù K có bằng đại học như cháu, sao anh không giống cháu, đó là văn hóa khác nhau sao cô?

Cháu đang trong thời kỳ chấm điểm K. Anh ấy rất chân thành, thậm chí thật thà, tháo vát, siêng năng. Các em cháu không chê K như cháu chê, có lẽ anh sẽ là anh rể chứ đâu có sống cùng mà chúng nó tỉ mỉ đúng không cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Cô hình dung cháu là người con gái cứng cỏi, luôn có ý thức làm gương. Cũng đúng thôi. Vì cháu được sinh ra trong gia đình có nếp, tự tay làm nên kinh tế nông trại và chắc chắn là đẫm văn hóa miệt vườn. Nhà văn Sơn Nam định nghĩa về văn hóa miệt này rất rõ: căn cơ, hào hoa, tao nhã, sinh hoạt hơi trau chuốt, cầu kỳ. Do đâu, thời thuộc Pháp và thuộc Mỹ, vùng này kinh tế thị trường tấp nập, nhiều người có học và đi cả Tây để học.

Trong khi đó, cô nghĩ, K thuộc một vùng khác, có cát pha, có sỏi đá, không lâu đời như miệt vườn. Cô nói đơn cử vậy thôi chứ không nhất thiết ở miền Đông thì ốc sạn hơn dân miền Tây mượt mà mướt mát. Nhưng liệt kê thì danh nhân tài tử văn nghệ sĩ gốc miền Tây nhiều thật và họ làm nên bao nhiêu cái nền cho Sài Gòn mấy trăm năm.

Tiểu tiết của người sẽ chung sống với mình sẽ thành trọng đại nếu người đó biết có nhược điểm mà không điều chỉnh. Như cháu ví dụ, ăn kêu quá, ợ to quá, đứng lên ngồi xuống ít giữ ý. Khi về sống thì có thể vào toa-lét không đóng cửa, tối lười đánh răng, ăn thì bỏ xương bừa trên bàn, súc miệng lại khạc khụa om sòm… Nhất là phát âm tiếng Việt không chuẩn thì sẽ đem lại cho người nghe sự hoài nghi về văn hóa, trình độ một con người, đó là gì nếu không nói là đại khái, cẩu thả.

Nhưng cháu ơi, đàn ông có những phẩm chất chính thì người vợ sẽ điều chỉnh được chồng, bằng tình yêu và sự nhẫn nại của mình. Biết bao người vì vợ giỏi vợ hay mà chồng thành người khác hẳn. Ví như bừa bãi sẽ thành ngăn nắp, thô vụng sẽ thành ý tứ, bộp chộp sẽ thành chín chắn. Không ai hoàn hảo cả, chúng ta chọn cái chính và tin vào khả năng của chính mình, cũng như tinh thần phục thiện của “đối tác”.

Dù vậy vẫn nhắc cháu nên tìm hiểu thêm gia đình người ta. Cứ về chơi rồi cháu sẽ biết cháu có là con dâu của họ được không? Nếp nhà, cách sống, cách xử sự với tiền, cách những người họ đối với nhau. Nói chung, phải chịu khó “ra mắt”, rồi sẽ có tình cảm hay là ác cảm, phải tự mình dấn thân và khám phá. Còn đưa K về bên mình hay không tính sau, khi đưa về là cháu đã OK hết rồi, nha.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/biet-bao-nguoi-vi-vo-gioi-vo-hay-ma-chong-thanh-nguoi-khac-han-post181004.html