Biển xe đẹp là tài nguyên, đại gia muốn hưởng phải đấu giá!

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc dư luận mới đây có nhiều ý kiến xung quanh việc Bộ Tài chính có ý tưởng đấu giá biển số xe đẹp, bổ sung ngân sách là chuyện rất thời sự.

Ông Đức cho rằng: Biển số xe đẹp, hay số điện thoại đẹp là dạng tài nguyên quốc gia (dạng tài nguyên số, tài nguyên mềm). Nhiều người bỏ tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng để sở hữu những loại tài nguyên trên, tuy nhiên ngân sách vẫn không thể thu được thuế từ đây.

(Một biển xe được coi là biển đẹp 5 số 8 (ngũ phát) - minh họa)

Theo ông Đức, nếu xây dựng cơ chế để thu thuế từ hoạt động này, chắc chắn sẽ góp phần giảm tệ nạn tham nhũng qua cơ chế xin - cho, quan hệ thân cận và tránh bất bình đẳng trong hoạt động cấp, bốc biển số xe ô tô hiện được đánh giá đang gia tăng đột biến do người sở hữu ô tô tại Việt Nam ngày càng tăng.

Trên quan điểm của luật sư, ông Đức cho rằng: Thời gian khoảng 20 năm trước, Hải Phòng sau đó là Nghệ An từng thí điểm đấu giá biển số xe, thu vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau đó thí điểm này bị dừng lại, đình trệ chỉ vì chưa có hành lang pháp luật để thực hiện hoạt động này. Một chính sách hay đã từng được áp dụng, nay bị bỏ hẫng, khiến hoạt động "mua bán", "xin - cho" biển số xe đẹp có một số biến tướng xấu.

Trên thực tế, hiện để sở hữu biển số xe dạng đẹp theo quan niệm dân gian như: tứ quý, ngũ lục, ngũ linh, ngũ phát, hay phát lộc... nhiều người đã bỏ ra khoản tiền lớn, con số có thể nói hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này hầu hết là hoạt động ngầm, trên sổ sách giấy tờ của cơ quan Nhà nước đều được núp dưới danh biển số xe được theo bốc ngẫu nhiên, trao cho người sở hữu, nhưng thực tế hoàn toàn được mua bán, trao tay.

Theo ông Đức: "Hiện, theo đề xuất và ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu bài bản và bao quát thì chúng ta nên xây dựng thành một bộ Luật riêng về các dạng tài nguyên như tên miền quốc gia, biển số, số điện thoại đẹp... Nếu không có thể xây dựng thành Nghị định quản lý một số loại tài nguyên số, hoặc thấp hơn có thể ban hành Thông tư của Bộ quản lý đối với 1 hoạt động riêng như biển số xe. Mục đích cuối cùng là để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cục và tạo cơ chế xin cho, làm thất thoát 1 loại tài sản của Nhà nước, đồng thời giúp công khai, minh bạch hoạt động này".

"Về nguyên tắc, tất cả những số đẹp cần được đấu giá và bán hết, cái nào không bán được thì sẽ cho quay lại bốc thăm như hiện nay. Tất nhiên chúng ta sẽ không nên đấu giá tất cả biển số bởi làm như thế sẽ rất rối, gây hoang mang cho phần đông người mua xe, bốc thăm biển số, làm đảo lộn hoạt động của cơ quan nhà nước và thị trường. Trước khi chọn số và trong quá trình thực hiện, chúng ta cần có hội đồng xác định và công khai hoạt động đấu giá. Như thế, khi đưa ra các biển số sẽ không lo sợ việc lọt số đẹp, thật đẹp theo kiểu có mắc ngoặc với nhau", ông Đức cho hay.

Theo LS Đức, việc đấu giá công khai, quản lý biển số bằng phần mềm có tính liên kết giữa các cơ quan sẽ khắc phục được tình trạng lộn xộn xin cho biển số. Cơ quan thuế, có thể căn cứ vào biển số, mã số thuế cá nhân để xác định người sở hữu đã đóng thuế hay chưa. Về việc đấu giá biển số đẹp, coi chúng là tài nguyên quốc gia chúng ta hoàn toàn có cơ sở luật pháp ủng hộ và thực tế nhiều nước đã làm.

Một vấn đề đặt ra là biển số đẹp hiện nay rất khác nhau, chủ yếu do tâm niệm, quan niệm và do cách nghĩ của mỗi người; do đó, nếu số người này bảo đẹp, người kia bảo xấu thì xử lý như thế nào? Nếu biển số người ngoài bảo đẹp nhưng cán bộ Nhà nước cho rằng số xấu, không cần đấu giá, như vậy điều này sẽ tạo kẽ hở, dễ lách luật. Như vậy, cuối cùng chính sách chỉ tận thu của người dân bình thường, chưa với tới hay đánh vào những đại gia có tiền, thích trưng giàu?

Ông Đức lý giải: Việc đưa ra quy chế theo tôi khá phức tạo và cần nhiều bên tham vấn. Tuy nhiên, đối với "người trong nghề" là những cơ quan nhà nước, người đi xe số như nào là đẹp, cực đẹp và siêu đẹp họ đều biết hết. Nếu những dãy số trùng với năm sinh, ngày sinh hoặc mệnh, hoặc sở thích của mỗi người, nếu có nhiều người có nhu cầu chúng ta thực hiện đấu giá công khai. Nếu có một người, thực hiện bán với mức giá nào đó. Còn đại đa số là biển số xe để dùng bốc thăm cho người dân.

"Mỗi người một quan niệm về số đẹp, để khắc phục thì khi ra lô biển số, phải được hội đồng thẩm định đánh giá, phân tích đưa số đẹp vào đấu giá công khai. Chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đấu giá này nếu trường hợp có nhiều người đặt mua 1 biển số, chúng ta đấu giá, quy định sau 3 ngày phải trả tiền, nếu không sẽ bị hủy và bị phạt", Luật sư Đức nói.

Do đó, theo ông Đức, việc đấu giá số đẹp nhiều nước đã thực hiện và họ thu ngân sách rất tốt dựa trên sự khan hiếm nguồn tài nguyên số của tương lai. Ở Việt Nam, hiện chúng ta đã muộn khi nói và đề cập đến vấn đề này. Nếu chúng ta không thực hiện để một thời sau thì sẽ quá muộn, bởi hiện số xe và phương tiện đang gia tăng rất nhanh, trong đó nhiều người đã bỏ không ít tiền để chọn số thay vì bốc như đại đa số.

Nếu không quản lý bằng thu thuế, tiền sẽ chỉ đi vào túi cá nhân, tổ chức nào đó thay vì ngân sách, trong khi đại đa số người dân bốc biển xe lại nhận lại những biển số được gọi là "xấu", biển số "bị loại".

Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/giao-thong/201611/bien-xe-dep-la-tai-nguyen-dai-gia-muon-huong-phai-dau-gia-2523767/