'Biến' vú heo thành vú dê và trách nhiệm của người bán

Nhiều người bán vì lợi nhuận nên tẩm hóa chất vào vú heo bị hôi thối rồi cho vào các quán ăn sau đó bảo đó là vú dê. Hành vi này liệu sẽ bị xử lý ra sao?

Món ăn được ưa chuộng

Vú dê là món được nhiều người ưa chuộng, chính vì thế một số thương lái đã tìm cách nhập vú heo bị hôi thối, không rõ nguồn gốc để thay thế vú dê nhằm mục đích thu lợi nhuận. Những thương lái này ngâm vú heo trong hàn the, hóa chất ướp xác, nước khử mùi,… để vú mất mùi hôi thối và giữ thịt không bị phân hủy, giữ được độ trắng.

Nhiều thương lái "phù phép" vú heo hôi thối thành vú dê. Ảnh: Internet

Nhiều thương lái "phù phép" vú heo hôi thối thành vú dê. Ảnh: Internet

Hiện nay ở TP.HCM xuất hiện nhiều quán lẩu dê, dê nướng, kèm theo thịt dê là món vú dê nướng, món này được nhiều thực khách chọn. Nhưng thực chất lượng vú của một con dê rất ít, vì vậy rất khó cung ứng hết cho tất cả các quán dê.

Việc dùng vú heo hôi thối sau đó dùng hóa chất để tẩm ướp gây hại sức khỏe không nhỏ cho người dùng. Ngoài việc được bán trong các quán ăn, vú dê còn được bày bán ở một số chợ mà không rõ nguồn gốc, chất lượng của những loại vú dê này như thế nào làm cho người dân hết sức hoang mang.

Chị Cao Thị Th., quận Bình Thạnh, cho biết: “Trước đây khi đi ăn tôi rất thích món vú dê nướng nhưng gần đây tôi được biết là có nhiều người tráo vú heo thối thành vú dê nên tôi cũng hạn chế dùng vì sợ bệnh”.

Cơ quan chức năng bắt nhiều vụ vú heo kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Ảnh: Internet

Vào một quán nhậu ven đường, khi được hỏi về món vú dê nướng, anh Thanh Sang cho hay: “khi vào những quán bán thịt dê lúc nào tôi và bạn bè cũng đều gọi món vú dê nướng, món này dân nhậu rất thích. Thật sự tôi cũng khó xác định nó có phải là vú dê hay không nhưng sau khi được tẩm ướp hương liệu thì món ăn rất đậm đà, màu sắc bắt mắt, ăn cảm thấy rất ngon”.

Quy định xử lý hành vi

Theo luật sư Đặng Thành Trí, đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, trường hợp sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại sẽ bị phạt từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Ngoài ra, đối với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, nếu sử dụng hóa chất bị cấm thì sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Trường hợp hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị xử lý hình sự.

NGUYÊN VÕ

Nguồn PLO: http://plo.vn/an-sach-song-khoe/bien-vu-heo-thanh-vu-de-va-trach-nhiem-cua-nguoi-ban-702814.html