Biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam theo tính mở và linh hoạt

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý điều này tại buổi gặp mặt các Trưởng ban biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam.

Chiều 10/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam, đã có buổi gặp gỡ các Trưởng ban biên soạn chuyên ngành.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam là quá trình liên tục, vì vậy rất cần thống nhất cách làm trên tinh thần mở và linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ thông tin, mạng Internet.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi gặp mặt các Trưởng ban biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam.

Tại cuộc gặp, các nhà khoa học nêu nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến phương thức thực hiện, cơ cấu tổ chức, tuyển dụng nhân sự, địa điểm làm việc, cơ chế tài chính, giới hạn kiến thức, nhấn mạnh đến cách biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Điều này vừa mang tính kiểm kê, đánh dấu, mang tính biên niên nhưng phải mở, công khai trên mạng để cập nhật, tiếp thu, bổ sung những ý nghĩa, sự kiện, bổ sung mục từ mới…

Phó Thủ tướng cho rằng, quyết định thành lập các ban chuyên ngành là bộ khung nền tảng ban đầu, trong quá trình hoạt động sẽ hoàn toàn linh hoạt để thu hút sự tham gia cống hiến của tất cả các nhà khoa học có mong muốn cống hiến cũng như của cộng đồng.

Về phương thức biên soạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tính mở từ quá trình xây dựng đề cương, phạm vi kiến thức đến phân chia thành các quyển, tập bách khoa thư sao cho khoa học, hợp lý, làm rõ nội hàm, đặc thù của Việt Nam so với các bộ bách khoa toàn thư trên thế giới.

Trong đó, việc quan trọng và cấp thiết là khẩn trương xây dựng Cổng Bách khoa Toàn thư Việt Nam kèm theo công cụ biên soạn trực tuyến để cộng đồng các nhà khoa học có thể cập nhật, giải thích, bổ sung các mục từ, sự kiện…

Theo Phó Thủ tướng, thay vì cách làm truyền thống là từ làm xong bản giấy mới cập nhật lên bản điện tử thì nay sẽ làm ngược lại. Có nghĩa là sẽ đăng tải các mục từ được biên soạn lên Cổng Bách khoa Toàn thư Việt Nam để ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp, thẩm định từ các nhà khoa học, nhà quản lý và tất cả những người quan tâm đến việc biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam ở trong và ngoài nước.

“Sau khi hoàn chỉnh chúng ta sẽ in lại thành bản giấy theo định kỳ 5-10 năm một lần, còn bản điện tử liên tục cập nhật. Quan trọng là chúng ta thống nhất được cách làm ngay từ đầu vì khi triển khai thì đây sẽ là một quá trình liên tục”, Phó Thủ tướng chỉ rõ./.

Văn Hiếu/VOV-Trung tâm tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/bien-soan-bach-khoa-toan-thu-viet-nam-theo-tinh-mo-va-linh-hoat-568209.vov