Biến sân chơi, lối đi chung thành của riêng

Dựng lều lán trên đất công để bán hàng quần áo cũ, đường đi nội bộ, sân tập thể bị các hộ kinh doanh chiếm dụng vô tội vạ bày hàng hóa, trông giữ xe, bán hàng ăn… khiến những người dân sống ở Khu tập thể nhà A Khương Thượng, phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) không khỏi bức xúc.

Bạt, dù quây kín sân chơi

Chợ quần áo cũ Khương Thượng nằm trong ngõ 43 phố Đông Tác dọc đoạn bờ sông Lừ thuộc địa bàn phường Trung Tự đã có từ rất lâu với hàng trăm ki ốt. Sau khi chợ bị giải tỏa để trả lại mặt bằng cho Dự án thoát nước sông Lừ thì hiện vẫn còn 26 hộ chưa chịu di dời. Do đó, các tiểu thương đã thuê lại những căn hộ này để buôn bán. Cùng với đó, khi các hộ kinh doanh sát bờ sông bị giải tỏa đã di chuyển vào thuê tầng 1 các nhà từ A1 đến A7 Khu tập thể Khương Thượng ngay sát đó để tiếp tục buôn bán. Muốn có thêm diện tích để bày hàng hóa, các chủ hàng đã ngang nhiên căng dù bạt chiếm sân chơi, đường đi lối lại giữa các dãy nhà. Thậm chí còn ngang nhiên dựng lều lán trên khoảng đất dự án đã được giải tỏa ngay đầu ngõ 43 phố Đông Tác để đổ đống quần áo ra bán.

Nhếch nhác chợ quần áo cũ trên sân Khu tập thể nhà A Khương Thượng.

Nhếch nhác chợ quần áo cũ trên sân Khu tập thể nhà A Khương Thượng.

Trước tình trạng trên, ông Đỗ Mạnh Thâm sống tại phòng 412 nhà A6 bức xúc: “Chợ quần áo cũ này lấn chiếm sân chơi từ lâu mà không được dẹp bỏ triệt để. Nhìn sân chơi giờ đây không khác gì cái chợ thu nhỏ. Trẻ con không có chỗ nô đùa, người già không có chỗ tập thể dục. Ngay cả lối đi cũng bị chiếm dụng làm cho việc đi lại khá khó khăn, không khí thì ngột ngạt từ mùi vải vóc, quần áo cũ. Tuy nhiên điều chúng tôi lo lắng nhất là nguy cơ cháy nổ từ những kho quần áo chất đống trong các căn hộ dưới chân mỗi khu nhà”.

Đi một vòng qua các dãy nhà tập thể từ A4 - A7 Khương Thượng, ít ai có thể nghĩ rằng nơi buôn bán nhộn nhịp này lại là lối đi, sân chơi của toàn bộ dân cư trong khu tập thể. Bạt dù căng kín làm cho đường đi lối lại tối om, sân chơi chỉ còn lại một khoảng nhỏ với lác đác vài thiết bị vui chơi cho trẻ như đu quay, cầu trượt nhưng hầu hết đã hoen gỉ và một số đã bị hư hỏng nặng.

“Cha chung không ai khóc”

Theo người dân Khu nhà tập thể Khương Thượng, sở dĩ tình trạng sân chơi ở đây bị lấn chiếm vô tội vạ do những người buôn bán tại “chợ” quần áo cũ - chủ yếu từ nơi khác đến thuê cửa hàng. Những chủ hàng này tìm mọi cách để có lợi cho việc kinh doanh mà không hề có ý thức giữ gìn không gian chung. Bên cạnh đó, chính quyền phường cũng chậm trễ trong việc dựng các bảng nội quy quản lý, sử dụng khu sân chơi. Chưa có cơ chế phối hợp giao cho các tổ dân phố, khu dân cư chịu trách nhiệm quản lý sau khi giải tỏa. Chính vì những lý do này, nên mặc dù phường đã rất nhiều lần ra quân dẹp bỏ, thậm chí cho xây tường lửng bao quanh những mảnh sân nhưng rồi khi lực lượng chức năng không có mặt thì tình trạng “chợ trên sân” lại tiếp diễn.

Về vấn đề này, ông Đặng Minh Chính – Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự cho biết, thời gian tới, phường sẽ tiếp tục ra quân lập lại trật tự, sau khi dẹp bỏ hàng quán sẽ cho cắm các bảng nội quy sân chơi và giao trách nhiệm giữ gìn cho các tổ dân phố, khu dân cư. Cùng với việc tuyên truyền để các hộ dân không buôn bán quần áo tại khu vực tầng 1, sẽ cho ký cam kết bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ.

Sân chơi bị chiếm dụng, biến thành chợ đã và đang diễn ra ở nhiều khu tập thể trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, không riêng gì Trung Tự mà các cấp chính quyền sở tại các quận, huyện cần cấp thiết lập lại trật tự tại các khu vực sân chơi, có những biện pháp xử lý nghiêm và triệt để hơn nữa, nhất là nâng cao ý thức trách nhiệm và huy động sự chung tay của cả cộng đồng để giữ gìn những không gian sinh hoạt công cộng chung, tránh tình trạng sau mỗi cuộc ra quân việc lấn chiếm lại vẫn đâu hoàn đó.

Bài, ảnh: Vũ Cúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bien-san-choi-loi-di-chung-thanh-cua-rieng-273039.html