Biên phòng 'mạnh tay' chống buôn lậu trên biển dịp Tết Đinh Dậu

Bộ đội Biên phòng vừa ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên khu vực biên giới biển từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

Lực lượng Biên phòng bắt giữ buôn lậu xăng dầu trên biển. Ảnh: Thế Thành (Bộ Tư lệnh BĐBP).

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển (gọi tắt là buôn lậu trên biển) diễn biến phức tạp, đặc biệt là xăng dầu, than, gỗ, đường, thuốc lá ở một số địa bàn trọng điểm vùng biển Đông Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

Thống kê cho thấy, tính từ tháng 2 nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tuyến biển, 4 Hải đoàn và 3 Đoàn đặc nhiệm đã độc lập, chủ trì phát hiện và bắt giữ, xử lý 213 vụ, 563 đối tượng với 7.456.000 lít xăng dầu. Đồng thời, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ 88.762 tấn than, 13.837 tấn bã xít thải, 6.770 tấn cát, 65.589 bao thuốc lá ngoại, hơn 2 tấn pháo nổ... Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ khoảng 145,8 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu nộp ngân sách Nhà nước trên 50 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị Biên phòng trong cả nước, triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên khu vực biên giới biển và đạt được những kết quả tích cực.

Phát huy những kết quả đạt được, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng yêu cầu các đơn vị Biên phòng trong cả nước tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng và chỉ đạo của Bộ Tư lệnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kịp thời phát hiện hoạt động nghi vấn của các cá nhân, doanh nghiệp, phương tiện hành nghề trên biển liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa và lập hồ sơ quản lý, theo dõi, lập án đấu tranh. Trong đó, tập trung vào các doanh nghiệp, các phương tiện chuyên dụng vận chuyển xăng dầu; các doanh nghiệp lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm vàc các mặt hàng tiêu dùng thường sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.

Rà soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp hoán cải tàu cá thành tàu chở xăng dầu, có kế hoạch theo dõi, đấu tranh với các chủ phương tiện sử dụng tàu cá để nhập lậu, mua bán trái phép xăng dầu trên biển.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các vùng biển gắn với công tác trinh sát nắm tình hình hoạt động buôn lậu trên biển, nhất là ở các khu vực cửa khẩu cảng biển, cửa sông, âu tàu thuộc các đảo và khu vực các phương tiện thường xuyên neo đậu sang tải hàng hóa. Trong đó kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển hàng hóa, cần kiểm tra kỹ hồ sơ về hàng hóa, chứng chỉ thuyền viên và giấy tờ phương tiện. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ số lượng xăng dầu trước khi xuất bến và khi về đối với các tàu vận chuyển xăng dầu. Đối với phương tiện đánh bắt thủy sản cần kiểm tra kỹ về giấy tờ phương tiện, số lượng thuyền viên và số lượng dầu trước khi xuất bến và khi trở về, tàu có bị hoán cải thành tàu chở xăng dầu hay không.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên biển (Cảnh sát biển, Công an, Hải quan...) và chính quyền địa phương trong trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và trong bắt giữ, xử lý vụ việc trên biển.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bien-phong-manh-tay-chong-buon-lau-tren-bien-dip-tet-dinh-dau.aspx