Biến nguy cơ thành thời cơ

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông tới thăm mấy tỉnh cực Nam của Tổ quốc. Tôi rất thích câu nói đó. Cũng nội dung ấy, chúng tôi đã nung nấu từ lâu

Niềm vui người trồng chanh dây ở huyện Đăk Đoa, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam

Cũng nội dung ấy, chúng tôi đã nung nấu từ lâu, ấp ủ nhiều dự kiến, giành hầu hết thời gian để tìm kiếm, nghiên cứu các đối tượng thay thế cho những loại cây, con không thích hợp ở những vùng gian khó.

Tân Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị khung chính sách phải nhằm đáp ứng 3 trụ cột, gồm:

1) Chọn 10 sản phẩm quốc gia có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường bền vững.

2) Xây dựng và hình thành các sản phẩm cấp tỉnh trên cơ sở có lợi thế.

3) Phát huy và xây dựng các sản phẩm đặc thù, quy mô hẹp ở các địa phương dựa trên căn cứ lợi thế của tiểu vùng.

Như vậy là, từng địa phương phải tìm mọi cách để phát huy hết tiềm năng sẵn có của mình nhằm tạo ra các sản phẩm tốt nhất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đóng góp nhiều nhất cho đất nước.

Nhớ hồi mới giải phóng, tôi vào Bình Trị Thiên. Lúc đó, ông Tư Sơn làm Phó Chủ tịch tỉnh. Ông nói với tôi một câu khiến tôi ngỡ ngàng. Ông bảo: “Bình Trị Thiên của chúng tôi có 5 thế mạnh. Các thế mạnh đó là: Nắng nhiều, gió nhiều, cát nhiều, đá nhiều, biển nhiều”. Tôi hết sức ngạc nhiên vì đó là những yếu tố gây trở ngại. Ở trong đó nóng như thiêu như đốt, đá núi lởm chởm, cát bụi mù trời… mà sao lại gọi là thế mạnh được.

Biết tôi băn khoăn, ông từ tốn giải thích: “Đó chính là 5 trở ngại lớn nhất của chúng tôi. Nhưng nếu ta biết biến các khó khăn đó thành thuận lợi thì lúc đó chúng ta sẽ chiến thắng!”. Tôi ngớ người và nhìn ông như nhìn một nhà tiên tri. Điều ông nói đúng là một chân lý…

Bây giờ nghe Thủ tướng nói: “Biến nguy cơ thành thời cơ”, tôi lại nhớ tới ông Tư Sơn. Tôi rất tán thành chỉ thị của Thủ tướng. Đó là cách suy nghĩ đúng, khoa học.

Ở hàng loạt tỉnh của ĐBSCL, vừa qua bà con ta phải chịu một đợt hạn hán khủng khiếp, tiếp đó là nước biển dâng cao, lúa ở nhiều nơi chết hết. Nếu ta cứ khư khư bắt dân ở các nơi đó phải tiếp tục trồng lúa thì thất bại là chắc chắn. Điều này trước đây, ai phản đối việc trồng lúa sẽ bị coi giống như phản động. Chúng tôi được xếp vào loại đó và bị nhiều chỉ trích.

Tôi nhớ hồi đó, có một chủ nhiệm HTX ở Cà Mau (hay 1 tỉnh nào đó mà tôi nhớ không chính xác) đã bỏ lúa để đào ao, nuôi tôm. Anh ấy đã thắng lớn nhưng sau đó lại bị kỷ luật, bị cách chức và bị khai trừ ra khỏi Đảng (vì dám bỏ lúa để nuôi tôm!). Cái cách suy nghĩ ấu trĩ ấy đã kéo dài tới tận gần đây. Rất may, thế hệ lãnh đạo mới đã thấy được vấn đề này và họ đang quyết tâm sửa đổi.

Tiềm năng của mỗi nơi có khác nhau, địa thế cũng khác nhau, khí hậu có khi còn đối đầu nhau. Do đó, lợi thế của vùng này chưa chắc đã là lợi thế của vùng khác. Ngược lại, khó khăn ở nơi này có khi lại là điều kiện thuận lợi ở nơi kia.

Do đó, từng tỉnh, từng địa phương, từng vùng khí hậu khác nhau phải tìm ra được thế mạnh riêng của mình. Đất bị mặn sao cứ bắt người ta trồng lúa! Vùng hạn nặng không nên lấy cây lương thực làm trọng tâm. Nơi nắng nhiều phải nghĩ tới những loài cây ăn quả nhiệt đới. Vùng núi cao phải phát triển mạnh rau, hoa và các loài vật nuôi ưa khí hậu lạnh…

Mọi lực lượng khoa học phải sát cánh với Chính phủ và nhân dân để tìm ra thế mạnh cho từng vùng.

Ở ĐBSCL, khi nước mặn dâng cao và tràn vào đồng ruộng thì đó là nguy cơ cho việc trồng lúa. Thế nhưng, điều kiện nước lợ ấy sẽ là thời cơ để ta phát triển nghề nuôi tôm, nuôi cá và nhiều loài thủy sản nước lợ khác.

Ở miền Trung, nắng như đổ lửa, trồng cây lương thực rất khó. Vậy, sao ta không phát triển mạnh những loài cây khác như nho, bông, chà là, tràm, tật lê, neem, bụp giấm... Ở Bình Thuận, thanh long đã thành cây chiến lược. Tại Hà Tĩnh, người ta đã biến những vùng cát hoang hóa ven biển thành những cánh đồng rau tươi tốt. Rau xanh, củ cải, cà rốt, măng tây, hành, ớt… phát triển rất mạnh. Nó cho thu nhập cao hơn lúa nhiều lần.

Có những điều kiện là nguy cơ cho một đối tượng này thì ta phải chọn ra một đối tượng khác thích ứng với điều kiện đó. Như vậy sẽ đúng như Thủ tướng đã nói: “Biến nguy cơ thành thời cơ!”.

Tôi vẫn mơ, cả dải cát miền Trung nếu tổ chức nuôi đà điểu theo qui mô công nghiệp thì hợp lý vô cùng. Ta có thể nuôi tới hàng chục vạn con. Vấn đề là, doanh nghiệp nào sẽ vào cuộc? Thị trường nào sẽ tiêu thụ? Công nghệ thuộc da sẽ dựa vào ai? Nguồn vốn nào sẽ đầu tư vào đây?... Nếu Chính phủ đặt vấn đề này với các công ty lớn, có thể ta sẽ tìm được lời giải đáp.

Suốt dọc Tây Nguyên hùng vĩ, tháng nào chúng tôi cũng có mặt ở các tỉnh để chỉ đạo bà con trồng cây mắc ca. Những nơi làm đúng theo qui trình đều thu được kết quả mỹ mãn. Bà con rất phấn khởi. Triển vọng của cây mắc ca là rất rõ ràng. Tập đoàn Him Lam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và hàng loạt công ty lớn đã vào cuộc. Với lợi thế về khí hậu và đất đai, chúng ta đủ sức vươn lên những vị trí hàng đầu so với các nước đã trồng cây mắc ca. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã được Chính phủ cho phép thành lập và họ đang làm bà đỡ cho các cơ sở trồng mắc ca trong cả nước…

Chúng tôi còn muốn đưa cây Sachi vào Việt Nam. Đó là một đối tượng cây trồng ở Nam Mỹ. Nó được một số doanh nghiệp và cá nhân đưa về Việt Nam. Kết quả khảo nghiệm ban đầu cho thấy, rất thích hợp với điều kiện nhiệt đới của chúng ta. Dầu lấy từ hạt Sachi cho hàm lượng Omega 3 cao gấp 17 lần ở dầu cá hồi và gấp 49 lần ở dầu ô liu.

Ở ta, chỗ nào cũng trồng Sachi được. Nó còn mang tính hoang dã nên khả năng chống chịu rất tốt. Trồng nó rất dễ và chỉ 6 tháng sau là đã ra hoa. Nó có vụ quả chính nhưng qua thực nghiệm ta thấy, hầu như nó ra quả quanh năm. Ta trồng nó một lần là có thể giữ cây tới trên 30 năm, giống như cây nho. Nó không kén đất, chỉ tránh trồng nơi đất trũng. Ta có thể trồng thuần, trồng xen hoặc trồng tận dụng quanh các hàng rào, lối đi, trên các khu đất hoang hóa…

Gần đây, báo chí có nêu gương bà con dân tộc thiểu số ở Nghệ An đã phối hợp với nhà máy chế biến hoa quả ở Ninh Bình để trồng cây chanh dây. Ta không thể tưởng tượng nổi, 1ha chanh dây đã cho bà con thu nhập tới hơn 1 tỷ đồng! Chúng ta còn vô vàn đối tượng cây trồng, vật nuôi khác có thể tham gia vào cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả cho nông dân…

Xin hãy lấy khẩu hiệu trên của Thủ tướng làm nhiệm vụ cho công tác nghiên cứu để chúng ta thành bạn lớn nhà nông.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bien-nguy-co-thanh-thoi-co-post175992.html