Biến hành lang lộ giới thành đất công: Chủ tịch phường phớt lờ

Chính quyền phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã hô biến đất hành lang lộ giới thành đất công. Thế nhưng, người đứng đầu chính quyền phường lại không sửa sai mà còn cố tình phớt lờ.

Như báo KD&PL đã có bài phản ánh về việc chính quyền phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã hô biến đất hành lang lộ giới thành đất công . Thế nhưng, người đứng đầu chính quyền phường này là ông Huỳnh Công Minh lại không sửa sai mà còn cố tình phớt lờ dư luận khi tiếp tục cho tiến hành cưỡng chế và ngang nhiên xây dựng công trình trên hành lang lộ giới…

Lạm quyền, dồn dân đến bước đường cùng

Anh Phạm Văn Sang bên công trình đang được xây dựng sau khi cưỡng chế.

Khi báo KD&PL đã đăng nhiều bài phản ánh việc biến hóa đất hành lang lộ giới thành đất công mà chính quyền phường Đông Hòa đã thực hiện. Tưởng sự việc sẽ được ghi nhận và sửa sai thì mới đây ngày 4/10, phường Đông Hòa đã huy động một đội ngũ hùng hậu lên đến mấy chục người để tiến hành cưỡng chế phần đất hành lang lộ giới mà gia đình anh Phạm Văn Sang (SN 1973, ngụ số 322/2 đường Trần Hưng Đạo, khu phố Đông B, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) sử dụng trong khi chủ nhân không hề có một động thái nào phản kháng, chống đối. Ngay sau khi việc cưỡng chế được tiến hành, người đứng đầu phường này tiếp tục lạm quyền khi cho xây dựng công trình trên hành lang lộ giới, chắn ngang hơn nửa lối ra vào căn nhà của anh Sang.

Trong nỗi bức xúc, anh Sang bày tỏ: “Năm 2011, khi chính quyền tổ chức xây mới văn phòng khu phố Đông B bây giờ và tôi cũng tiến hành xây bít lối để làm nơi để đồ đạc. Tuy nhiên, họ không tiến hành lập biên bản cũng như ra quyết định xử phạt hành chính. Vậy mà họ lại ra quyết định cưỡng chế đối với gia đình tôi.

Việc họ tiến hành cưỡng chế mà gia đình tôi không hề phản đối. Bởi vì trước đó, gia đình tôi đã gửi đơn đề nghị chính quyền phải đồng thời xử lý việc văn phòng khu phố Đông B cùng một số công trình khác cũng xây dựng trên hành lang lộ giới ngay bên cạnh.

Tuy nhiên, họ không xử lý mà chỉ cố tình ép gia đình tôi đến bước đường cùng. Hôm đó, mấy chục con người rầm rộ kéo đến chỉ để cưỡng chế khoảng 20m2 tôn lợp trên mái, một cái cửa và hai bức tường. Việc làm trên là ông Chủ tịch Huỳnh Công Minh muốn thể hiện ra oai với mọi người cũng như để uy hiếp tinh thần gia đình tôi. Đúng là chúng tôi rất sợ vì họ kéo đến đông quá…!”.

Tưởng rằng sau khi cưỡng chế xong là họ bỏ đó rồi đi nhưng ai ngờ họ dùng máy múc múc sâu xuống cả mét. Đồng thời kêu thợ hồ về xây dựng công trình như kiểu nhà vệ sinh án ngữ ngay trước cửa gia đình tôi. Đời thuở nhà ai chính quyền lại ép dân đến thế là cùng? Hay là tìm cách trù dập, trả thù khi thời gian qua tôi liên tục khiếu nại, tố cáo việc lạm quyền của ông Chủ tịch phường này. Nếu họ ở trong trường hợp như gia đình tôi mà bị cưỡng chế rồi xây công trình án ngữ ngay trước cửa ra vào như thế có bức xúc không?

Tại sao không đem đến cho người dân sự yên tâm mà toàn tìm cách dồn dân đến chân tường khiến họ bức xúc, phẫn uất. Tôi cũng không hiểu nổi lãnh đạo thị xã cũng như lãnh đạo tỉnh đã không xem xét chu đáo, chỉ vì những thành phần tham mưu không đến nơi đến chốn đã ban hành những văn bản tạo cho chủ tịch phường Đông Hòa thêm phần lạm quyền”, anh Sang nói trong uất ức.

Phớt lờ dư luận, coi thường pháp luật!

Đó chính là câu nói của rất nhiều người dân hiểu về vấn đề này cũng như nhiều chuyên gia pháp luật khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc của anh Sang. Trong đó, nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng phản ánh việc hô biến đất hành lang lộ giới thành đất công của ông chủ tịch phường Đông Hòa – Huỳnh Công Minh.

Chưa hết, khi mới đây một số tờ báo tiếp tục phản ánh vấn đề ép dân mà chính quyền phường Đông Hòa đã làm đối với gia đình anh Phạm Văn Sang thì một số đối tượng được kích động khi đi tuyên truyền xuyên tạc lung tung. Những đối tượng này cho rằng các bài báo phản ánh sai phạm của phường Đông Hòa đã sai và đang phải xin lỗi cơ quan này rối rít. Đồng thời cũng đã đăng bài cải chính trên các cơ quan báo đó???

Không những thế, sau khi cưỡng chế, anh Phạm Văn Sang đã làm đơn đề nghị dừng ngay việc xây dựng công trình án ngữ trước cửa nhà mình đến chính quyền phường Đông Hòa thì những người có trách nhiệm tìm cách trốn chạy, không gặp anh và cũng không tiếp nhận đơn của anh. Ngay cả khi phóng viên đã phản ánh đến vấn đề này đến UBND phường Đông Hòa để làm việc thì không hề nhận được một sự phối hợp nào.

Làm việc với Bí thư phường thì ông này cho rằng phóng viên phải gặp Chủ tịch là ông Huỳnh Công Minh. Qua liên hệ với văn phòng thì phóng viên nhận được câu trả lời ông Minh đang đi họp, đầu giờ chiều mới về cơ quan. Tiếp tục chờ đợi đến đầu giờ chiều thì người phóng viên này lại nhận được câu ông Minh… “vẫn đi họp”.

Có lần khi chúng tôi đến liên hệ để làm việc thì cũng nhận được câu trả lời là lãnh đạo bận đi họp nên ra ngoài bảng tin, nơi treo lịch công tác để tìm hiểu xem những lời nói của nhân viên ủy ban có nói đúng không? Tuy nhiên, khi phóng viên đang xem và ghi lại số điện thoại thì hai nhân viên nữ của phường này chạy ra nói như quát tháo: “Ai cho phép chụp hình gì ở đây? Các anh muốn gì? Vào gọi điện thoại cho công an đến bắt mấy người này luôn!”.

Chính phóng viên đến liên hệ làm việc còn không được xem lịch công tác dán công khai trên bảng cũng như không được quyền ghi chép số điện thoại của những người trên đó để liên hệ công tác hay sao? Vậy thì người dân “thấp cổ bé họng” như anh Phạm Văn Sang bị chính quyền phường này tìm cách chèn ép, dồn đến chân tường là cũng đúng mà thôi.

Việc khẳng định hô biến đất hành lang lộ giới thành đất công để dễ dàng dồn gia đình anh Phạm Văn Sang vào chân tường đã được phóng viên nêu ở các bài báo trước là lời khẳng định của chuyên viên phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Dĩ An khi người này được Lãnh đạo phòng này kiểm tra sổ đất công mà không có. Như vậy, có thể nhận định được việc lạm quyền của ông chủ tịch UBND phường Đông Hòa là có cơ sở.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Duy Bình – Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Tôi nhận thấy trong trường hợp này chủ tịch UBND phường Đông Hòa không có thẩm quyền ra quyết định khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế vì những cơ sở sau: theo điểm b, Khoản 1, Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Chủ tịch UBND cấp xã chỉ được phép xử phạt không quá 5 triệu đồng (theo điểm b, Khoản 6, Điều 13 NĐ121/CP/2013, chủ tịch xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính không quá 10 triệu đồng); căn cứ theo điểm b, khoản 6, điều 13, Nghị định 121 thì hành vi xây dựng không phép của ông Phạm Văn sang nếu bị xử phạt thì mức xử phạt sẽ là 12,5 triệu đồng và thẩm quyền xử phạt thuộc về chủ tịch UBND cấp huyện (theo khoản 2, điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính)…”.

Theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 13 NĐ121/CP/2013: “Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này”. Như vậy, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND thị xã Dĩ An và khi hết thời hiệu xử phạt thì chủ tịch UBND thị xã Dĩ An có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chứ không phải là chủ tịch UBND phường Đông Hòa.

LIÊN PHƯƠNG/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/bien-hanh-lang-lo-gioi-thanh-dat-cong-chinh-quyen-phot-lo-p41924.html