Biên giới Trung-Ấn: Khói ở đấy, lửa ở đâu?

Theo logic thông thường, Trung Quốc lại chơi trò tung hỏa mù, dương đông kích tây. Có nghĩa là Trung Quốc đang “ủ mưu” làm cái gì đó ở một nơi nào khác, tại đấy mới là chỗ Trung Quốc “làm” thật.

Căng thẳng và đối đầu giữa hai gã khổng lồ Trung - Ấn đã kéo dài sang tuần thứ năm. Cao nguyên Doklam trên đất nước Bhutan trở thành điểm nóng khi cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc quyết triển khai quân để bảo vệ lợi ích của mình. Với tổng dân số khoảng 2,6 tỷ người, hơn một tháng nay, hai cường quốc này đang trải qua thời kỳ căng thẳng.

Cao nguyên Doklam trên đất nước Bhutan trở thành điểm nóng khi cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc quyết triển khai quân để bảo vệ lợi ích của mình

Không phải lần đầu

Cao nguyên Doklam nằm tiếp giáp với ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, là khu vực đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan. Ấn Độ ủng hộ nước láng giềng Bhutan trong tranh chấp ở khu vực này.

Khu vực này đã chứng kiến cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1967, sau đó là thời kỳ căng thẳng và điều binh dọc biên giới bang Arunachal Pradesh giai đoạn 1986-1987. Nhưng với khủng hoảng ở Doklam lần này, New Delhi tin rằng Bắc Kinh đang thử thách cam kết của Ấn Độ với nước láng giềng Bhutan.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cam kết an ninh với Bhutan chỉ là một phần trong động thái điều quân của Ấn Độ tới Doklam. New Delhi còn lo ngại rằng nếu xây xong con đường ở Doklam, Bắc Kinh có thể dễ dàng tiếp cận Hành lang Siliguri, khu vực "cổ gà" rộng khoảng 20 km có tầm quan trọng chiến lược với Ấn Độ, kết nối vùng Đông Bắc hẻo lánh với phần còn lại của đất nước.

Đích mới ở đâu ?

Thiên hạ lại một phen đổ dồn mọi con mắt. Tại sao Trung Quốc cố tình gây ra sóng gió cho khu vực vào lúc này?

Theo logic thông thường thì Trung Quốc lại chơi trò tung hỏa mù, dương đông kích tây. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang “ủ mưu” làm một cái gì đó ở một nơi nào khác, tại đấy mới là chỗ Trung Quốc “làm” thật. Trong những nơi khác ấy dĩ nhiên rất có thể là Biển Đông. Nhưng cũng có thể đấy là biên giới Myanmar, hay Senkaku trên Đông Hải, hoặc là câu chuyện THAAD tại Hàn Quốc, thậm chí không loại trừ có thể cả ở Đài Loan nữa…

Năm 2014, khi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực không tranh chấp thuộc hải phận chủ quyền của Việt Nam gây nên một phong trào phản kháng trên cả nước Việt Nam, người ta tưởng Trung Quốc cố tình khai thác dầu tại khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Nhưng không phải. Tất cả những sự khuấy động đó thực chất chỉ là hỏa mù. Thực chất là Trung Quốc cần một tháng để kéo tên lửa ra các hòn đảo tự tạo thuộc Trường Sa. Trung Quốc cần di chuyển các thiết bị thi công cỡ lớn và khối lượng lớn vật tư thiết bị nhằm kết thúc nhanh chóng việc tạo ra các hòn đảo giả, đủ điều kiện để đưa con người ra sinh sống, cùng các thiết bị quân sự nhằm nâng cấp năng lực tấn công tại vùng biển chiến lược này.

Và Trung Quốc đã thành công. Sau hơn một tháng, Trung Quốc tuyên bố kết thúc việc khảo sát lập bản đồ tài nguyên và quyết định rút giàn khoan. Dư luận tưởng là Trung Quốc sợ dư luận. Bé cái nhầm! Khi “để mắt” trở lại Trường Sa thì mọi việc đã rồi. Trung Quốc đã làm xong mọi chuyện trên cả 7 thực thể.

Việc cơi nới mở rộng diện tích cũng như việc xây dựng các công trình quân sự, mở rộng, kéo dài đường băng, dựng hangar máy bay, các loại kho tàng, các nhà chứa và bệ phóng tên lửa, các trạm rada... mọi việc cần đã được hoàn thành và không thể đảo ngược. Việt Nam và thế giới chỉ còn tố cáo Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng những gì vừa được tạo ra một cách phi pháp trên các thực thể cưỡng đoạt từ Việt Nam thì không vì tố cáo mà biến mất.

“Mồi khói” không lạ

Mọi thứ trở thành những tài sản của nhà nước Trung Hoa để xác quyết quyền chủ quyền. Từ sau phán quyết của Tòa án PCA, tháng 7/2016, bác bỏ quyền chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc đối với các thực thể thuộc các quần đảo đá trên toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc đã âm thầm rút mọi hoạt động vào bí mật.

Trung Quốc làm ra vẻ nhân nhượng, tái cho phép ngư dân Philippines được đánh cá trên các vùng biển chưa ngã ngũ tranh chấp. Trung Quốc tránh mọi đề cập quốc tế liên quan Trường Sa và Hoàng Sa. Không có xung đột, luật ứng xử COC đang được chính Trung Quốc chủ trì soạn thảo và đang được khẩn trương để có “thể nhanh chóng hoàn thành kết thúc”!

Nhưng Trung Quốc vẫn cần nhiều mồi khói khác. Chuyện căng thẳng Trung - Ấn không có gì lạ. Bắc Kinh đang cần càng nhiều khói càng tốt. Ở đâu dính Trung Quốc, ở đấy đều có khói. Trung Quốc chơi với Nga ,nhưng vẫn giữ tham vọng giành đất ở Siberia. Trung Quốc đụng với Nhật và không bao giờ dập tắt mồi lửa ở Senkaku. Trung Quốc ép Philippines và “nuôi khói” thường trực ở đấy để thổi thành lửa bất cứ lúc nào.

Theo Thiều Quang/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/bien-gioi-trung-an-khoi-o-day-lua-o-dau-207074/