Biên giới Thái Lan – Campuchia: Tiếng súng tạm yên

Ngày 8/2, các cuộc giao tranh ở khu vực xung quanh ngôi đền Preah Vihear còn tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia đã tạm yên, trong bối cảnh đôi bên thông qua một thỏa thuận ngừng bắn với nhau. Nhưng giới quan sát đánh giá nguy cơ xảy ra các cuộc đọ súng mới vẫn còn, do căn nguyên gây ra tranh chấp vẫn chưa được giải quyết.

Sáng ngày 8/2, Campuchia đã bàn giao cho phía Thái Lan một binh sĩ bị họ bắt giữ theo sau các cuộc chạm súng mới nhất. Đôi bên đã đọ súng với nhau từ hôm 4/2 và tính tới nay họ có 5 lần nã đạn về phía nhau. Hạ nhiệt tạm thời “Chúng tôi đã nhận được một lá thư chính thức từ Bộ Quốc phòng Thái Lan do Bộ trưởng Prawit Wongsuwan ký, trong đó đề nghị Campuchia trả tự do cho người lính bị bắt giữ” - Trung tướng Nim Sovath của quân đội Campuchia tuyên bố hôm 8/2 – “Giờ chúng tôi quyết định trả anh ta trở lại cho phía Thái Lan”. Binh sĩ bị bắt giữ là Songkran Tongchompoo, 22 tuổi, một lính nghĩa vụ thuộc trung đội 2, đại đội 16 đóng ở vùng 2 của quân đội Thái Lan. Lễ bàn giao diễn ra tại Bộ Quốc phòng Campuchia, với sự tham gia của Đại sứ Thái Lan Prasas Prasasvinitchai và đại diện Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Binh sĩ Campuchia củng cố các vị trí phòng thủ trong thời gian ngừng bắn Sự kiện nói trên là một dấu lặng hiếm hoi trong mấy ngày vừa qua, sau khi đôi bên đã có 5 lần đọ súng kể từ hôm 4/2. Tân Hoa Xã cho hay quân đội hai bên đã sử dụng nhiều vũ khí hạng nặng như pháo phản lực, súng máy, đạn cối và pháo nã về phía nhau. Binh lính Campuchia đã sử dụng thời gian ngừng bắn để củng cố các vị trí quân sự và đắp thêm bao cát ở trong và xung quanh đền Preah Vihear. Bốn ngày chiến sự diễn ra giữa các bên đã làm tróc đi một phần tường của ngôi đền cổ, song thiệt hại vẫn ở mức tối thiểu. “Mọi chuyện đã yên tĩnh trở lại nhưng không khí vẫn hết sức căng thẳng” – trung úy Tek Saran của quân đội Campuchia nói với hãng tin Reuters - “Chúng tôi không biết khi nào tình hình hiện nay mới bình thường trở lại”. Tranh cãi quanh ngôi đền thiêng Đền Preah Vihear còn được biết tới với tên Prasat Preah Vihear. Từ Prasat trong tiếng Khmer có nghĩa "pháo đài, "đền thờ" hoặc "ngọn núi". Từ "Preah" có nghĩa linh thiêng và từ "Vihear" chỉ cấu trúc trung tâm của một ngôi đền. Mấy từ này đã nói sơ qua về vài đặc điểm của ngôi đền. Thực tế Preah Vihear là ngôi đền nằm trên đỉnh Pey Tadi, một vùng đất cao trên núi Dângrêk, trong phần lãnh thổ do Campuchia kiểm soát, giáp biên giới Thái Lan. Hoạt động xây dựng phần đầu tiên của ngôi đền bắt đầu từ thế kỷ thứ 9. Cả khi đó và những thế kỷ sau này, ngôi đền được dùng cho việc thờ tự thần Shiva của Hindu giáo. Phần lớn ngôi đền được xây dựng tiếp trong thời kỳ các vua Khmer trị vì (Cụ thể là vua Suryavarman I (1002 -1050) và vua Suryavarman II (1113 -1150)). Các đoạn chữ cổ được tìm thấy ở ngôi đền đã mô tả chi tiết về việc vua Suryavarman II thường tới đây để nghiên cứu về các nghi thức linh thiêng, tổ chức nhiều lễ hội tín ngưỡng và dâng tặng các món quà lên cho người bảo trợ tinh thần của ông, một giáo sĩ Hindu có tên Divakarapandita. Bản thân vị giáo sĩ này cũng rất quan tâm tới ngôi đền và ông đã dành tặng ngôi đền một bức tượng thần Shiva nhảy múa bằng vàng. Khi Hindu giáo bước vào thoái trào, ngôi đền được những người Phật giáo tiếp quản, sử dụng cho tới ngày nay. Bước sang thời hiện đại, Prasat Preah Vihear trở thành trung tâm của một cuộc tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia. Nguyên nhân bắt đầu từ năm 1904, khi Campuchia nằm dưới sự cai trị của chính quyền thực dân Pháp. Chính quyền này đã thực hiện một thỏa ước về biên giới với nhà nước Xiêm (Thái Lan sau này), qua đó biên giới giữa hai bên được tính bằng các dòng nước chảy từ đỉnh Dângrêk xuống chân núi. Cách phân chia này khiến đền Preah Vihear thuộc về phía Thái Lan. Mấy ngày đọ súng giữa đôi bên đã gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Năm 1907, sau khi tiến hành hoạt động khảo sát, đo đạc, các quan chức Pháp đã vẽ một tấm bản đồ biên giới giữa hai bên. Tuy nhiên trong tấm bản đồ được gửi cho chính quyền Xiêm, Preah Vihear lại nằm bên phần đất Campuchia. Khi thực dân Pháp rút khỏi Campuchia vào năm 1954, quân đội Thái Lan lập tức chiếm đền Preah Vihear. 5 năm sau, Cambodia phản đối chuyện này và yêu cầu Tòa án Quốc tế ở The Hague (Hà Lan) can thiệp. Ngày 15/6/1962, hội đồng xét xử của Tòa án Quốc tế ra phán quyết với tỉ lệ 9/3 thẩm phán ủng hộ, theo đó ngôi đền thuộc về Campuchia. Tuy nhiên thỏa thuận liên quan tới vùng đất rộng 4,6 km2 nằm xung quanh ngôi đền không bao giờ đạt được và đây là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia trong nhiều năm. Còn nguyên nhân nào khác? Liên quan tới cuộc chạm súng mới nhất, một số hãng tin nước ngoài cho rằng, nguyên nhân sâu xa có thể do bàn tay tác động của một số thành phần trong chính phủ và quân đội Thái Lan. Họ muốn đẩy chủ nghĩa dân tộc lên cao trong nước, qua đó có thể nhận được thêm phiếu bầu từ các cử tri theo đường lối cứng rắn trong những cuộc bầu cử sắp diễn ra. Tuy nhiên một số nhà phân tích còn đi xa hơn khi cho rằng vụ chạm súng là kết quả của một kế hoạch nhằm hạ bệ chính quyền hiện nay. Họ thậm chí còn tin rằng những gì đang diễn ra có thể tạo tiền đề tốt cho một cuộc đảo chính để quân đội lên nắm quyền, một chuyện vốn không phải hiếm hoi ở Thái Lan. Tường Linh

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/131n20110209100240174t0/bien-gioi-thai-lancampuchia-tieng-sung-tam-yen.htm