Biển Đông: Trung Quốc đả kích Mỹ-Nhật-Úc, Washington tránh đối đầu

Trung Quốc lớn tiếng đả kích tất cả các nước dám kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông. Ngày 27/7, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích bản tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc về Biển Đông vừa được đưa ra sau cuộc họp tay ba, bên lề các hội nghị ASEAN tại Lào, RFI cho biết.

Vương Nghị tại Hội nghị ASEAN ở Lào

Theo hãng tin Mỹ AP, ngoại trưởng Trung Quốc đã cho rằng bản tuyên bố nói trên chỉ có tác dụng «thổi bùng ngọn lửa» gây căng thẳng trong khu vực, vào lúc mà các nước có liên can đã đồng ý hạ nhiệt.

Ông Vương Nghị cho rằng động thái của ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Úc không hợp thời, cũng như không mang tính chất xây dựng. Đối với Bắc Kinh, Bây giờ là lúc trắc nghiệm xem ba nước nói trên là những người «kiến tạo hòa bình» hay là kẻ «gây rối».

Trong bối cảnh khối ASEAN không ra được một tuyên bố mạnh mẽ phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là không nói gì đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Trường Trực La Haye được đánh giá là tối quan trọng cho an ninh khu vực, ba ngoại trưởng Kerry của Mỹ, Kishida của Nhật và Bishop của Úc đã họp lại với nhau tại Vientiane và thông qua một tuyên bố chung.

Văn kiện này đã thể hiện lập trường hậu thuẫn mạnh mẽ cho các quốc gia Đông Nam Á đang bị Trung Quốc thúc ép trên vấn đề Biển Đông, khi kêu gọi Bắc Kinh không tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng tiền đồn quân sự tại vùng biển đang tranh chấp.

Cũng trong ngày 27/7, sau buổi họp với người đồng nhiệm Philippines Perfecto Yasay tại Manila, ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng Washington muốn tránh «đối đầu» tại Biển Đông. Theo AFP, ông Kerry cho rằng cả Bắc Kinh và Manila cần đối thoại. Ông nói: «Quyết định của Tòa mang tính ràng buộc nhưng chúng tôi không tìm cách đối đầu. Chúng tôi cố gắng tìm ra một giải pháp căn cứ theo quyền của các dân tộc mà luật pháp quy định».

Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ cái gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông và phán quyết Bắc Kinh không có bất kỳ «quyền lịch sử» nào tại khu vực chiến lược này. Trung Quốc đã gay gắt phản đối và khẳng định không tuân thủ phán quyết của tòa.

Tuy nhiên, Washington lại thấy phán quyết trên là cơ hội để các nước có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giải quyết những bất đồng một cách ôn hòa. Ngoại trưởng Mỹ phát biểu: «Chúng tôi hy vọng tham dự vào tiến trình thu hẹp phạm vi địa lý các cuộc tranh chấp lãnh hải, thiết lập một bộ quy tắc ứng xử tại các vùng tranh chấp và dẫn đến những giải pháp mà các bên đều chấp nhận được, thậm chí có thể là một loạt các biện pháp có thể gây lòng tin».

Ngày 26/7, ông Kerry đã đến Manila sau khi tham dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Lào và đã gặp tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trước đó, ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ khuyến khích nguyên thủ Philippines đi theo con đường đối thoại và «lật sang trang mới với Trung Quốc".

Trong một động thái khác, Úc tuyên bố không có ý định giảm cường độ các cuộc tuần tra hàng hải và hàng không tại Biển Đông trong năm 2016. Thông tin trên được phó đô đốc David Johnston tuyên bố trước các nhà báo tại thủ đô Canberra vào ngày 26/7.

Đô đốc Johnson khẳng định, Úc đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra tại Bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông trong chiến dịch mang tên «Operation Gateway» và kế hoạch này không có gì thay đổi vào năm nay. Ông nêu rõ: «Hải quân và không quân Úc sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay và quá cảnh trong khu vực Biển Đông chiểu theo luật pháp quốc tế».

Viettimes.vn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/the-gioi/bien-dong-trung-quoc-da-kich-mynhatuc-washington-tranh-doi-dau-69190.html