Biển Đông: Sinh sự sự sinh

(Toquoc)-Việc Mỹ trở lại căn cứ Subic nằm trong phản ứng dây chuyền liên quan chính sách Trung Quốc, Mỹ và sự thích nghi của khu vực.

Việc Philippines và Mỹ đàm phán trở lại căn cứ hải quân Subic là nằm trong một chuỗi sự kiện liên quan đến vấn đề Biển Đông diễn ra từ hai năm trước (2010-211). Biển Đông trước đó đã nổi sóng ngầm nhưng chưa phát tác. Trung Quốc theo đuổi chính sách lấn tới từng bước, thông quaphối hợp chính sách “lục hoãn hải khẩu” (trên đất liền hòa dịu, ngoài biển tranh chấp), “tiến ba bước, lùi hai bước” (được một bước). Chính trị ngoại giao với Đông Nam Á/ASEAN thì theo đuổi chính sách “Mục lân, an lân, phú lân” (hòa hợp với láng giềng, yên ổn với láng giềng, làm giàu với láng giềng”.

Trung Quốc là đất nước của mưu sĩ. Những nước cờ không phải tính ngắn hạn mà với tầm nhìn dài hạn một vài thập kỷ. Sự kiên nhẫn Trung Quốc thì trường kỳ, có khi “cả thế kỷ”, nhưlời cựu ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger. Thiên hạ không thể chê trách Trung Quốc “mưu thâm, kế sâu” mà phải học hỏi để hiểu Trung Quốc hơn nữa. Một nước lớn không có tầm nhìn chiến lược thì không thành nước lớn. Một nước nhỏ không hiểu chiến lược của nước lớn, không có tầm nhìn của chính mình, không có chiến lược, mưu lược và đối sách thì không tránh khỏi suốt đời bị đưa đẩy trên bàn cờ nước lớn.Các nước có quan hệ gần kề với Trung Quốc cần tận dụng kho tàng Trung Quốc học, các viện Khổng Tử mà không ngừng đổi mới hiểu biết về văn hóa Trung Quốc, lịch sử Trung Quốc, mưu lược Trung Quốc. Việc này thực sự cấp bách khi châu Á đang bước vào thế kỷ 21 với “kỷ nguyên Trung Quốc”.

Hàng không mẫu hạm lớn nhất của Mỹ cập cảng Changi (Singpore), cuối tháng 1/2012, điểm dừng chân trong hệ thống quân sự mới của Mỹ đang được tái cấu trúc.

Cái việc Philippines mời Mỹ trở lại sau hai thập kỷ đẩy Mỹ ra có thể bắt nguồn từ sự kiện tháng 2/1995 Trung Quốc chiếm bãi Vành Khăn mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Năm 1999, Philippines-Mỹ ký thỏa thuận, theo đó cho phép tàu chiến và máy bay Mỹ đến thăm và tiếp tế, cũng như các tập trận quân sự chung ở Philippines. Cũng thời điểm này, Singapore ký thỏa thuận cho phép tàu chiến Mỹ sử dụng quân cảng Changi. Mỹ đã có sự hiện diện lực lượng trên bộ từ năm 2002, khi đưa 600 lính tác chiến đặc biệt giúp Philippines chống phiến quân Hồi giáo ở đảo Mindanao. Số quân này có thể tăng giảm tùy tình hình.

Philippines có 7.107 hòn đảo. Trong khi hầu hết các nước có bờ biển ở Đông Nam Á đều thúc đẩy xây dựng hạm đội tàu ngầm và hải quân của mình, Philippines chỉ sở hữu những phương tiện quân sự bị xem là lạc hậu. Lần này, Philippines đàm phán với Mỹ ở cấp thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng tại Washington trong hai ngày 27-28/1, căn bản đã đạt thỏa thuận cho phép tàu chiến và máy bay trình sát Mỹ gia tăng hoạt động tại Philippines, tăng cường phối hợp an ninh phòng thủ và tập trận chung. Đổi lại, Philippines có chỗ dựa để đấu tranh chống lại sức ép và hành động gây hấn của Trung Quốc như trong suốt năm 2011. Manila cũng đề nghị Mỹ cung cấp thêm tàu chiến và các máy bay chiến đấu F-16 cùng các thiết bị quân sự hiện đại khác để bảo vệ lãnh hải trên Biển Đông. Tháng 3 tới, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines sẽ thăm Mỹ; tháng 5, Tổng thống nước này thăm Mỹ. Lúc đó, vấn đề căn cứ Subic và phối hợp an ninh quốc phòng sẽ được hoàn tất.

Cả Mỹ và Philippines đều không muốn biến Subic thành căn cứ quân sự thường trực và lâu dài. Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington ngày 27/1, đã khẳng định, mặc dù Mỹ muốn có sự hiện diện quân sự lớn hơn ở Đông Nam Á, nhưng không tìm cách thiết lập các căn cứ lâu dài tại khu vực này. Hiện tại các thỏa thuận đã nhất trí với Úc và Singapore sẽ cho phép Mỹ “luân chuyển lực lượng” qua Đông Nam Á dễ dàng hơn mà không mất chi phí duy trì các căn cứ ở đó. Mỹ sẽ hoan nghênh các cuộc thảo luận theo phương hướng tương tự với Philippines.

Hệ thống các cơ sở quân sự hiện nay, pha lẫn giữa căn cứ truyền thống như tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam, với các hình thức sử dụng quân cảng sân bay theo hình thức “tạm thời” như với Singapore, Úc và Philippines, cho phép hải quân Mỹ dễ dàng tiếp cận để khống chế con đường hàng hải huyết mạch ngang qua Biển Đông nối Ấn Độ Dương với Đông Á, tăng khả năng đối phó về quân sự với Trung Quốc, trong đó có Biển Đông.

Đô đốc Jonathan W. Greenert, phụ trách tác chiến của Hải quân Mỹ, phát biểu ngày 10/1 tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (Washington), nhận xét rằng Đông Nam Á chứa đựng “tiềm năng lớn nhấttrong tương lai” cho việc tăng cường hiện diện của hải quân Mỹ thông qua đối tác quân sự. Philippines tạo ra “cơ hội mới cho Mỹ”. Tuy nhiên Đô đốc Mỹ cho rằng không phải quốc gia nào trong khu vực cũng muốn thiết lập quan hệ đồng minh và bị ràng buộc dài hạn với Mỹ; không muốn hy sinh quan hệ với Trung Quốc mà muốn tìm kiếm đối trọng để cân bằng lại sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Để tạo sự cân bằng ổn định cho khu vực, một số các nước nhỏ yếu ở Đông Nam Á tìm cách “giữ chân” Mỹ lại Đông Nam Á. Đó là bản chất của những thỏa thuận năm ngoái giữa Mỹ với Úc và Singapore và năm nay với Philippines.

Phản ứng của Trung Quốc là có thể tiên lượng được. Tờ Nhân dân Nhật báo và Thời báo Hoàn cầu phát đi các thông điệp cứng rắn, đòi "phải đáp trả" động thái của Manila bằng cách sử dụng "đòn bẩy để cắt đứt các hoạt động kinh tế", "làm nguội" các liên kết thương mại với Philippines. Bài xã luận Thời báo Hoàn cầu viết: "Cần phải cho các nước láng giềng của Trung Quốc thấy rằng đối trọng với Trung Quốc bằng cách quay sang Mỹ không phải là lựa chọn tốt. Các biện pháp trừng phạt được cân nhắc kỹ đối với Philíppin sẽ khiến họ phải suy nghĩ khi chọn mất đi một người bạn như Trung Quốc và trở thành đối tác hão của Mỹ".

Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính bắt đầu từ phố Wall mùa Thu 2008, thấy Mỹ suy yếu so với trước, giới quân sự Trung Quốc bước ra khỏi thời kỳ “dấu mình chờ thời”, làm cho ba vùng biển ở Đông Á liên tục dậy sóng. Mỹ đã nắm thời cơ để trở lại châu Á. Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, tuyên bố ngày 5/1, đã xác định châu Á-Thái Bình Dương thành trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ. Thỏa thuận Subic khớp với đường hướng chiến lược mới ấy.

Trong cuộc đấu tranh chống lại sức ép của nước lớn, Philippines đã sử dụng tất cả con bài và lợi thế địa-chiến lược mà họ có được để bảo vệ điều mà họ cho là lợi ích quốc gia cốt lõi.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thái độ chừng mực trước sự phát triển mới của tình hình. Trong một bức điện thư gửi cho AFP đề ngày 29/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "hy vọng hai bên liên can sẽ nỗ lực nhiều hơn về hướng hòa bình và ổn định trong khu vực". Nhưng giới quân sự nước này chắc hẳn sẽ sử dụng sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại Nam Hải (Biển Đông) cũng như việc Mỹ tái cấu trúc lực lượng quân sự ở Đông Á xung quanh Trung Quốc để yêu cầu gia tăng ngân sách quân sự.

Năm 2012 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến một vòng mới của cuộc chạy đua hiện đại hóa quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương. Người ta thấy điểm khởi đầu, nhưng chưa ai thấy điểm kết thúc của quá trình ấy./.

Nguyễn Ngọc Trường

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/101521/bien-dong-sinh-su-su-sinh.aspx