Biển Đông: Mỹ tuần tra, Trung Quốc điều chiến đấu cơ

Quân đội Trung Quốc vừa triển khai nhiều chiến đấu cơ J-11 và máy bay tiêm kích - ném bom JH-7 đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa VN.

Đó là thông tin được, tờ Đông Phương nhật báo (Hồng Kông, Trung Quốc), ngày 25/10 cho biết, hiện loạt chiến đấu cơ và máy bay tiêm kích đang đóng trú phi pháp tại đảo Phú Lâm.

Tờ báo không nói rõ số lượng cụ thể nhưng dẫn lời giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang có ý đồ kết hợp chiến đấu cơ tại Hoàng Sa với các sân bay trên đảo Hải Nam cùng những cơ sở phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN để tạo thành “tam giác sắt” giám sát toàn bộ không phận Biển Đông.

Có nhiều bằng chứng cho thấy nước này đã xây xong đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập, đồng thời sắp hoàn tất 2 công trình tương tự trên đá Xu Bi và Vành Khăn.

Những bãi đá này thuộc Trường Sa nhưng đã bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo.

Chiến đấu J-11 của Trung Quốc

Trong đó, chuyên gia Lý Kiệt tại Viện Nghiên cứu quân sự thuộc hải quân Trung Quốc còn cho rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng cách mở rộng hiện diện trên các đảo và “sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn”.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm, trước đó, hồi tháng 4, tờ Stars and Stripes đã dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên, tố Trung Quốc điều tới 16 chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Động thái trên của Trung Quốc được tiến hành sau khi, ngày 21/10, hãng Reuters dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ cho biết, tàu khu trục USS Decatur đã tuần tra gần Hoàng Sa nhằm thách thức “tuyên bố chủ quyền phi pháp” mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông.

Tàu USS Decatur tuần tra gần hai đảo Phú Lâm và Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa, tuy nhiên nó không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo này.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest từng nói: “Hoạt động tuần tra này là minh chứng cho thấy các quốc gia ven biển không thể hạn chế trái phép quyền tự do hàng hải, rằng Mỹ và các nước khác có quyền sử dụng biển một cách tự do, hợp pháp theo khuôn khổ luật pháp quốc tế”.

Tàu khu trục USS Decatur của Mỹ

Thậm chí, giới chuyên gia còn nhận định với tờ South China Morning Post rằng Mỹ có thể sẽ tiếp tục điều thêm tàu chiến và máy bay quân sự tiến hành hoạt động tự do hàng hải, hàng không xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa trong vài tháng tới.

Tuy nhiên, trước động thái này của Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã có công hàm phản đối với phía Mỹ và thêm rằng quân đội nước này sẽ tăng cường các cuộc tuần tra trên không và trên biển, cũng như củng cố năng lực quân sự ở mọi khu vực.

Đồng thời, cáo buộc trắng trợn rằng Mỹ đã điều tàu vào "lãnh hải Trung Quốc", cho rằng đây là "hành động phi pháp và mang tính khiêu khích có chủ định".

Tàu khu trục USS Decatur của Mỹ

Về phía VN, trước việc tàu khu trục Hoa Kỳ USS Decatur hoạt động tại khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa, ngày 24/10, ông Lê Hải Bình - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói rõ quan điểm: "VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Là quốc gia ven Biển Đông và quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng việc các quốc gia thực hiện các quyền tại Biển Đông phù hợp với quy định của Công ước, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không.

Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia cần phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam nhấn mạnh tất cả các quốc gia cần có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bien-dong-my-tuan-tra-trung-quoc-dieu-chien-dau-co-3321630/