Biển Đông - Chủ đề nóng trong hội thảo an ninh Trung Quốc

Tình hình Biển Đông ngày 10/10: Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo Tượng Sơn lần thứ 7 ở Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Singapore liên quan tới phán quyết trên Biển Đông của Tòa trọng tài quốc tế và quyết định của Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD sẽ là những vấn đề nóng được đưa ra thảo luận trong hội thảo an ninh khu vực diễn ra tại Bắc Kinh hôm nay (10/10).

Còn theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Hội thảo Tượng Sơn lần thứ 7 mà Bắc Kinh gọi là "cấu trúc an ninh mới ở châu Á", sẽ tập trung bàn thảo vào 4 nội dung chính bao gồm: vai trò của quân đội trong hệ thống toàn cầu; phản ứng trước các thách thức an ninh mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua hợp tác và hợp tác an ninh hàng hải; các mối đe dọa khủng bố quốc tế; và phương pháp đối phó.

Tàu chiến Trung Quốc và Nga cùng tham gia tập trận trên Biển Đông hồi tháng Chín.

Cuộc hội thảo kéo dài 3 ngày này diễn ra sau 10 ngày Hàn Quốc thông báo cho phép Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm đối phó trước các mối đe dọa tấn công từ lực lượng tên lửa của Triều Tiên và chỉ sau 19 ngày tờ Thời báo Hoàn Cầu "gây chiến" với Singapore khi nhắc tới vai trò của quốc gia này trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

"Biển Đông và ngay cả tình hình trên biển Hoa Đông cũng như việc triển khai hệ thống THAAD sẽ trở thành những đề tài không thể không nhắc tới trong hội thảo", Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, ông Li Jie.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá cấp cao Yang Yujun, Hàn Quốc nằm trong số 60 quốc gia được mời tham gia hội thảo và Singapore cử phái đoàn đại diện do Bộ trưởng giáo dục Ong Ye Kung làm trưởng đoàn.

Hôm 30/9, chia sẻ trên China National Radio, Giáo sư Jin Yinan - cựu Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh nên áp đặt lệnh trừng phạt và có hành động đáp trả với Singapore để cho quốc đảo này "biết cái giá phải trả vì làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của Trung Quốc".

Trước đó, Thời báo Hoàn Cầu - phụ trương của tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng Singapore đã khẳng định ủng hộ vụ kiện của Philippines trước những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông ngay trong diễn đàn Phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 được tổ chức trên đảo Margarita ở Venezuela. Tuy nhiên, đại sứ Singapore tại Trung Quốc, ông Stanley Loh khẳng định trong diễn đàn NAM, Singapore không hề nhắc tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hay phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.

Còn theo một chuyên gia quân sự giấu tên ở Bắc Kinh, cuộc chiến ngôn từ giữa truyền thông Trung Quốc và Singapore sẽ còn tái diễn trong hội thảo Tượng Sơn lần này.

"Tôi cho rằng Trung Quốc không cần thiết phải bày tỏ sự bất bình với Singapore một cách công khai. Một cường quốc không cần phải chỉ trích công khai một quốc gia nhỏ bé. Bởi trong tương lai, sẽ có lúc Bắc Kinh cần cải thiện quan hệ với Singapore", vị quan giấu tên nói.

Còn theo ông Li, không có hy vọng gì về việc Trung Quốc và 60 nước tham dự hội thảo đạt được bất cứ kết quả hay sự nhất trí nào. Nói cách khác cái mà chúng ta hy vọng là "không xảy ra bất cứ cuộc tranh cãi nào".

Trong khi đó, ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore và là 1 trong số 100 chuyên gia an ninh được mời tham gia hội thảo, cho rằng các phái đoàn Đông Nam Á tham gia cuộc họp sẽ đưa ra nhiều phản ứng trái chiều trước phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Biển Đông là tuyến đường đặc biệt quan trọng đồng thời giữ vị thế chiến lược kinh tế và chính trị", theo ông Chaturvedy, đây chính là lý do để Trung Quốc tìm cách thúc đẩy sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và nhiều sáng kiến mang tầm khu vực khác ngay trong hội thảo.

Hiện tại, Bắc Kinh đang có ý định biến Hội thảo Tượng Sơn thay thế dần Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á thường niên hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore do chính phủ Singapore và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Anh đồng chủ trì kể từ năm 2002. Trong khi đó, Hội thảo Tượng Sơn được tổ chức tại Bắc Kinh do Hiệp hội Khoa học quân sự và Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Trung Quốc đồng tổ chức.

"Trung Quốc hy vọng Hội thảo Tượng Sơn sẽ là một diễn đàn an ninh có tầm ảnh hưởng quốc tế tại khu vực Bắc Á sánh ngang với Đối thoại Shangri-La ở Nam Á", nhà quan sát quân sự tại Bắc Kinh, ông Song Zhongping chia sẻ.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hong Kong. Ấn bản đầu tiên của tờ báo này được phát hành vào ngày 6/11/1903.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bien-dong-chu-de-nong-trong-hoi-thao-an-ninh-trung-quoc-post211085.info