Biển Đông bước sang giai đoạn mới

Nhiều ý kiến đánh giá thẳng thẳng về tranh chấp trên Biển Đông trong tình hình mới và hướng hợp tác để đảm bảo an ninh trên Biển Đông và khu vực.

Sáng nay (14-11) tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Biển đông, hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”. Gần 200 chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia hội thảo này.

Trong 2 ngày, hội thảo được chia làm 7 phiên và 1 phiên đặc biệt về việc thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông dành cho các các chuyên gia trẻ tuổi trình bày quan điểm của mình.

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Biển đông, hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” tại Nha Trang

Trong buổi sáng 14-11, đã diễn ra 2 phiên hội thảo về nguồn gốc của tranh chấp Biển Đông nhìn ở khía cạnh lịch sử và căng thẳng ở Biển Đông sẽ đi đến đâu?

Các nhà khoa học đều cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông đã tồn tại khá lâu. Năng lượng, nghề cá và hàng hải là 3 mục tiêu chính dẫn đến việc tranh chấp trên Biển Đông.

Trong phiên thứ 2 của hội thảo về căng thẳng ở Biển Đông, nhiều học giả cho rằng tình hình đã bước sang giai đoạn mới. Tình hình đã có sự chuyển biến khi từ tháng 7-2016, ông Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines đã thể hiện mong muốn khôi phục lại chính sách cân bằng các nước lớn. Quan hệ Trung – Phi có chiều hướng tốt hơn. Trong khi đó, kể từ sau Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vào ngày 12-7-2016, Bắc Kinh không tiến hành hành động trả đũa nào với Philippines. Ngoại trưởng Trung Quốc (TQ) Vương Nghị cũng tuyên bố TQ sẵn sàng bước sang trang mới ở Biển Đông đã làm lóe lên hy vọng về sự ổn định ở Biển Đông.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trả lời báo chí bên ngoài hội thảo

Tuy nhiên, các học giả cũng cho rằng TQ vẫn tiếp tục hoạt động xây dựng các công trình quân sự trái phép tại một số đảo trên Biển Đông. Điều đấy cũng dấy lên lo ngại về việc TQ vẫn tăng cường thiết lập sự hiện diện quân sự, bán quân sự và lực lượng chấp pháp ở Biển Đông.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PSG-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhận định trong năm qua, căng thẳng ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các vụ va chạm, các thay đổi nguyên trạng trên thực địa vẫn tiếp diễn. Vẫn còn nhiều vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven Biển Đông ở gần khu vực Trường Sa và đặc biệt là Hoàng Sa. Chưa kể nhiều vụ đối đầu giữa máy bay Mỹ và TQ trong khu vực. Tình hình cải tạo đảo và quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, tình trạng môi trường biển khu vực tiếp tục xuống cấp với tốc độ đáng báo động.

Tàu hải quân Trung Quốc cập Cảng Quốc tế Cam Rang

Trong các phiên còn lại của hội thảo sẽ được diễn ra vào chiều nay và ngày mai, các học giả sẽ đi sâu phân tích về luật pháp Quốc tế và Biển Đông, kinh tế chính trị của Biển Đông, an ninh, chính trị và ngoại giao trên thế giới và khu vực, tương tác và phối hợp trên biển, cơ chế quản lý căng thẳng ở Biển Đông.

Hồng Ánh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bien-dong-buoc-sang-giai-doan-moi-20161114114852429.htm