Biến đổi khí hậu tác động thế nào đến đời sống, kinh tế ĐBSCL?

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng. Điều này, sẽ tác động như thế nào đến đời sống, kinh tế của người dân ở khu vực này?

Biến đổi khí hậu tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL. Trong ảnh là một ruộng lúa bị khô hạn. Ảnh: Trung Chánh.

Trình bày tại hội nghị khoa học "Quản lý đất đai vùng ĐBSCL" lần thứ nhất năm 2016 được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ hôm nay 24-11, ông Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, cho biết ĐBSCL là vùng đất có địa hình thấp; sản xuất nông nghiệp và công nghiệp là hai lĩnh vực kinh tế chính (với nông nghiệp, ĐBSCL chiếm hơn 50% sản lượng lúa, 60% sản lượng thủy sản và 75% sản lượng trái cây cả nước).

Theo ông Trí, hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của ĐBSCL lệ thuộc rất lớn vào nguồn nước, cho nên nước gắn liền với sinh kế của người dân trong vùng.

Tuy nhiên, những thay đổi nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông hay những tác động khác của biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, nước biển dâng, lũ lụt, khô hạn, xâm nhập mặn và xói lở đất..., đã làm cho khu vực này đứng trước rất nhiều nguy cơ và thách thức.

Cụ thể, ông Trí dẫn kết quả nghiên cứu của các tổ chức trên thế giới, dự báo nhiệt độ trung bình đến năm 2030 của ĐBSCL sẽ đạt mức 35-37 độ C so với 33-35 độ C trong những năm 1980; số ngày nắng trong năm tăng lên 180-240 ngày so với trên dưới 120 ngày của những năm 1980...

Theo ông Trí, lũ lụt cũng xuất hiện bất thường hơn. “Thay vì lũ đạt đỉnh vào tháng 10 âm lịch hàng năm và năm nào cũng lặp lại, thì gần đây đã thay đổi, nhiều năm không có lũ, rồi đột ngột lại xuất hiện lũ”, ông Trí dẫn chứng.

Xâm nhập mặn cũng đã thay đổi, từ chỗ nước mặn chỉ quanh quẩn ở ven biển vào những năm 2005 thì đến năm 2010 mặn đã xâm nhập (nồng độ 2 gam/lít) sâu vào nội đồng đến 70 km, tình từ cửa biển. Năm 2016, với hiện tượng cực đoan của thời tiết, nước mặn xâm nhập sâu đến khu vực sông Vàm Cỏ (Long An), tức mặn lấn sâu vào đất liền đến 90 km, tính từ cửa biển. “Những thay đổi từ thượng nguồn sông Mê Kông làm phù sa về (ĐBSCL) ít hơn, dòng chảy thay đổi, xói lở bờ biển, bờ sông diễn ra thường xuyên hơn”, ông Trí cho biết.

Như vậy, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế cũng như sử dụng đất ở ĐBSCL như thế nào?

Theo một số nhà chuyên môn tại hội nghị, biến đổi khí hậu sẽ gây ngập lụt cho các vùng đô thị; tàn phá cơ sở hạ tầng; tác động đến sức khỏe của con người, vật nuôi do nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi bất thường; làm xáo trộn đến sinh hoạt của xã hội cũng như ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất.

Trao đổi với TBKTSG Online trước đó, ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia độc lập về môi trường, cho rằng các đô thị bây giờ thoát nước rất kém do kênh mương thoát nước bị lấn chiếm và bề mặt bị bê tông hóa nhiều. Do đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ngập lụt thường xuyên, thì tình hình trên sẽ ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn.

Về nông nghiệp, ông Trí cho biết biến đổi khí hậu gây nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn hay mưa gây ngập lụt sẽ khiến hoạt động sản xuất hay nói cách khác quy hoạch sử dụng đất phải thay đổi theo. “Còn thủy sản, nước mặn ít ảnh hưởng đến nuôi thủy sản vùng ven biển, nhưng khi nhiệt độ tăng nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí khiến thủy sản nuôi chết”, ông cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất, kinh tế, thì chính những tác động đó đã giúp thay đổi phần nào nhận thức của các địa phương trong việc ứng phó.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Tiền Giang, thừa nhận rút kinh nghiệm của đợt xâm nhập mặn trong mùa khô 2015-2016, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện cắt vụ, chuyển vụ và thực hiện chuyển đổi sang những loại cây trồng sử dụng ít nước hơn.

Theo ông Pháp, địa phương cũng đã chủ động lấy kịch bản hạn, mặn năm 2015-2016 làm cơ sở để ứng phó. “Năm rồi tụi tôi sống nổi, thì năm nay không “chết” đâu vì đã nạo vét một số công trình nội đồng vừa dẫn, vừa trữ được nước”, ông cho biết.

Trong khi đó, theo ông Trí, về lâu dài việc ứng phó với diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ như tạo vùng trữ lũ; vùng sinh thái để điều hòa không khí; tạo mảng xanh để hạn chế biến đổi khí hậu cũng như sử dụng nước tiết kiệm hơn trong canh tác, thì vấn đề sản xuất lúa vụ ba có cần thiết tiếp tục duy trì nữa hay không?

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154265/bien-doi-khi-hau-tac-dong-the-nao-den-doi-song-kinh-te-dbscl.html/