Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Khi 'nhân tai' là mấu chốt

Xoay quanh công chuyện tìm giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), TS. Dương Văn Ni - chuyên gia nghiên cứu Trường ĐH Cần Thơ đã đưa ra góc nhìn mới, mà ở đó, sự dễ tổn thương của vùng ĐBSCL chủ yếu thuộc về 'nhân tai'…

Sạt lở nghiêm trọng tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.V)

Ông đánh giá như thế nào về sự tổn thương của ĐBSCL trước BĐKH?

- Hàng năm, chúng ta hay nói ĐBSCL nhiều nước hoặc ít nước, gọi nôm na là lũ to hay lũ nhỏ. Điều này đã xảy ra trong quá khứ, nhưng với tần suất thưa, ít còn bây giờ là nhiều và dày hơn. Trên thực tế, không phải bản thân thiên tai làm nghiêm trọng những vấn đề đó, mà chính do sự phát triển mấy chục năm qua đã làm cho vùng ĐBSCL dễ bị tổn thương hơn.

Ngày xưa vùng đồng bằng chúng ta có 5-7 triệu dân chủ yếu sống ở vùng đất gò cao, đất ven sông… Những đợt lũ to vốn chẳng là gì cả. Bây giờ, đồng bằng có 18 triệu dân sống rải đều khắp nơi, thậm chí họ tập trung về những vùng đất rất trũng – những nơi mà trước giờ ông bà chúng ta chưa bao giờ nghĩ sẽ sống ở đó.

Tại các vùng trũng này, mấy chục năm nay đã làm đê bao khép kín, trẻ con lớn lên không thấy nước, không biết lội, gặp lúc bể đê, lụt lớn là có chuyện, hay thậm chí chuyện ngập lụt ở các thành phố, người dân đi đường sụp ống cống cũng có thể chết. Trong mấy chục năm phát triển, chúng ta đã biến hệ sinh thái ĐBSCL từ chỗ ít bị tổn thương đến dễ bị tổn thương.

Tại sao trẻ con vùng lũ lại không biết bơi, nông dân ở vùng đất phèn, đất mặn lại không thể thích nghi với chuyện thiếu nước ngọt, trong khi các thế hệ cha ông lại thích nghi rất tốt? Đơn giản là do không có sự can thiệp quá nhiều của con người.

Chúng ta đang bất cập ngay từ nhận thức, hay đổ thừa là do đất, nước, khí hậu thay đổi…, nhưng thực tế không phải đồng bằng đang tổn thương mà chính con người đang tổn thương.

Vậy giải pháp nào để khắc phục vấn đề trên, thưa ông?

- Do con người dễ bị tổn thương như đã nói nên mọi sự phát triển gần đây như việc xây đê, đập… đều nhằm mục đích giảm bớt tổn thương cho con người. Hướng tiếp cận này chưa đúng, bởi không có công trình nào tồn tại vĩnh viễn với thời gian. Mấy chục năm nay, Hà Tĩnh, Nghệ An… đã xây dựng nhiều công trình bờ kè với biết bao tiền của, nhưng chỉ một trận bão đã phơi bày tất cả.

Chúng ta hay nói về sạt lở, nhưng chỗ này lở thì chỗ kia sẽ bồi, cho thấy bản thân thiên nhiên sẽ tự cân bằng. Còn con người thì sao? Chúng ta đang phát triển theo hướng bảo vệ con người, rồi dẫn tới chuyện phải bóp nghẹt tự nhiên để phục con người. Trong khi con người không thể vững mạnh một ngày một bữa, càng bảo vệ, con người lại càng dễ tổn thương hơn.

Xin cám ơn ông!

TRẦN LƯU - NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/bien-doi-khi-hau-o-dbscl-khi-nhan-tai-la-mau-chot-566465.ldo