Biển của ta

Việt Nam là một trong 20 quốc gia trên thế giới có vùng biển giàu tiềm năng kinh tế. Với hơn 3.200km bờ biển trải dài theo đất nước có những ngư trường rộng lớn, hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao thật sự là nguồn tài nguyên lớn của đất nước. Festival Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2010 tổ chức tại bãi biển Nhật Lệ - TP. Đồng Hới - Quảng Bình với sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại lễ khai mạc như một thông điệp quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta về chiến lược, chính sách nhất quán, tôn trọng đối với biển và hải đảo của quốc gia. Qua Festival Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay đã cho thấy đời sống của một bộ phận đồng bào sống bằng nghề biển đang khá lên từng ngày cũng như các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh hải, tài nguyên môi trường biển, hải đảo đang ngày càng chính quy, hiện đại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đời sống không ít cư dân ven biển, những nơi có biển vẫn còn thấp, cho thấy năng lực, khả năng tổ chức thực hiện khai thác tài nguyên biển của chúng ta vẫn còn những bất cập chưa tương xứng với tiềm năng biển. Ở một góc độ nào đấy, khi tiềm năng biển bị bỏ quên là một lãng phí lớn.

Về kinh tế du lịch biển, chúng ta đã có rất nhiều quyết tâm, nhưng kết quả đạt được từ ngành kinh tế mũi nhọn này, tiềm năng ở các bãi biển vẫn chưa được phát huy đầy đủ. Chỉ riêng ở khu vực miền Trung, hệ thống bờ biển, bãi biển gắn với các thắng cảnh, khu sinh thái, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới dày đặc lẽ ra phải là miền đất vàng để thu hút, thu hoạch làm giàu từ khách du lịch quốc tế, nhưng nhìn xuyên suốt toàn bộ hệ thống bãi tắm biển đẹp, nổi tiếng ở miền Trung hiện chỉ mới có một khu du lịch biển làm hài lòng du khách quốc tế tại Nhật Lệ - Quảng Bình. Nông nghiệp có tư duy lúa nước và dường như ngư nghiệp cũng có tư duy khai thác tài nguyên biển, nghĩa là đánh bắt cá, mực... nghĩa là tập trung vào cái nhỏ trước mắt và quên đi điều lớn đang tiềm ẩn trong biển. Tình trạng khai thác tài nguyên với tư duy "mỳ ăn liền" ở các triền biển miền Trung đã, đang hàng ngày làm biến dạng, hoang hóa nhiều bãi biển đẹp đang có khả năng sinh ra tiền rất lớn từ du lịch. Biển Cửa Tùng (Quảng Trị) là bài học đau lòng khi bị xóa tên khỏi danh sách các bãi tắm đẹp chỉ vì cách ứng xử thiếu văn hóa và tầm nhìn xa đối với thiên nhiên, môi trường. Vươn ra biển lớn là khát vọng của cả một dân tộc theo nghĩa bóng nhưng theo nghĩa cụ thể, cũng phải ra biển lớn với chiến lược đánh bắt xa bờ chứ không thể loanh quanh mãi với thuyền câu mực hoặc tàu đánh cá gần bờ. Chúng ta đã có chiến lược đánh bắt xa bờ nhưng trên thực tế, nơi này, lúc nọ đã phải chứng kiến hàng trăm chiếc tàu xa bờ phải nằm bờ, nhiều hợp tác xã đánh bắt hải sản phải giải thể, phá sản và cùng với nó là hàng trăm tỉ đồng vốn đầu tư bị trôi theo "tàu xa bờ" tại mỗi địa phương có biển vì nhiều lý do khác nhau. Biển của ta và ta tận dụng hết món quà của thiên nhiên ban tặng để củng cố đất nước, phát triển kinh tế là khát vọng của cả dân tộc. Để thực hiện khát vọng đó, quyết tâm không thôi chưa đủ, cần có một nguồn nhân lực đủ mạnh, có năng lực trí tuệ với những hiểu biết sâu rộng và khả năng làm chủ về biển, đảo quốc gia. ĐỨC TRÍ

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20100625101458881p61c69/bien-cua-ta.htm