Biến bệnh viện công thành phòng khám tư

Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài phản ánh vấn nạn “cò” khám chữa bệnh lộng hành ở nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, một số bạn đọc cho biết thêm tại bệnh viện này còn tồn tại vấn nạn nhức nhối hơn: một số nhân viên, bác sĩ cấu kết nhau biến bệnh viện công thành phòng khám tư. Nghe đọc bài

Dịch vụ siêu âm “siêu tốc” Bệnh viện Ung Bướu (sau đây gọi tắt là BVUB) TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt là phòng siêu âm. Theo quy định của BV, bệnh nhân (BN) đến khám phải xếp hàng lấy số thứ tự (nhiều BN phải đến sớm xếp hàng từ 4 - 5 giờ sáng), sau đó đến quầy tiếp nhận khai bệnh để được phân vào các phòng khám chuyên khoa (trung bình phòng khám tiếp nhận 1.400 - 1.600 BN/ngày) và đóng tiền khám bệnh 20.000 đồng (có sổ khám bệnh), nhận phiếu thứ tự đến phòng khám chuyên khoa ngồi chờ. Sau khi vào phòng khám, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm hoặc xét nghiệm máu (nếu không có siêu âm, xét nghiệm thì cho toa thuốc luôn). Lúc đó, BN cầm phiếu siêu âm đi đóng tiền và đến ngồi xếp hàng đợi để chờ đọc tên vào siêu âm. Theo quy trình này, thông thường một BN từ lúc lấy số khám bệnh đến khi vào phòng siêu âm phải mất ít nhất 1 ngày, thậm chí 2 ngày... Thế nhưng, có một “đường dây” chuyên lo siêu âm sớm, chỉ cần nhấc máy gọi cho nhân viên bệnh viện trong “đường dây” này hẹn giờ khám, kể cả giờ cao điểm, cũng đều được “OK”! Sau nhiều ngày tìm hiểu tại BVUB, chúng tôi có được số điện thoại của một nhân viên tên M., “thân tín” của bác sĩ B.M tại phòng siêu âm của BV. Vì thế, dù không phải nhân viên phòng siêu âm nhưng cô M. được “đặc quyền” ra vào phòng này thoải mái và có thể sắp xếp BN ngoài luồng vào siêu âm mà không cần lấy số thứ tự. Trong vai BN tên Hải Yến, chúng tôi gọi điện cho cô M. xin được sắp xếp khám nhanh, cô M. đồng ý và hẹn chúng tôi đúng 7 giờ 30 ngày 24.6 có mặt trước phòng siêu âm của BVUB. Đúng giờ, chúng tôi có mặt tại BVUB. Vừa bước vào cổng, quầy tiếp nhận của BV đã đông nghịt người từ lúc nào, hàng trăm người đang xếp hàng rồng rắn đợi nhận phiếu. Trước phòng siêu âm cũng đã có cả trăm người đang ngồi đợi đến lượt. Nhưng đó là những BN không có “bảo kê”, còn Hải Yến được cô M. dắt thẳng vào phòng siêu âm đăng ký. Chưa đầy 10 phút sau, nhân viên phòng siêu âm gọi tên Hải Yến vào siêu âm, “qua mặt” hàng trăm người ngồi đợi từ mờ sáng. Cô M. (áo đen bên phải) dặn dò Hải Yến trước khi vào siêu âm - Ảnh: Đàm Huy Thấy người đến sau lại ngang nhiên chen vào siêu âm trước, nhiều BN tỏ thái độ bức xúc. Chị Liên, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tức tưởi: “Tôi là giáo viên mầm non ở tỉnh, công việc bận bịu chỉ xin nghỉ phép được 1 ngày để đi siêu âm khối u ở cổ. Tôi nghe bạn bè nói BVUB này thường xuyên quá tải nên tôi tranh thủ đến bệnh viện xếp hàng từ 5 giờ sáng ngày 23.6 hy vọng lấy số thứ tự nhỏ nhưng không ngờ đã có 145 người đến trước tôi. 10 giờ cùng ngày, tôi mới chính thức nhận số thứ tự mang đến phòng khám, rồi đến phòng siêu âm ngồi đợi lấy số thứ tự lần 2. Lần này tôi lấy được số thứ tự 237 và họ hẹn tôi 12 giờ ngày 24.6 đến siêu âm. Vậy mà vẫn có người chẳng cần số thứ tự chen ngang...”. Thu tiền không xuất hóa đơn Theo hướng dẫn của “đường dây” này, sau khi siêu âm xong cứ đưa thẳng tiền cho bác sĩ B.M rồi ra chờ kết quả. Trong ngày 24.6, cùng ngồi đợi bác sĩ B.M như Hải Yến còn có 3 nữ BN khác. Một trong ba người tên H.T.R.Đ, quê Ninh Thuận, vào điều trị hạch cổ. Chị Đ. nói: “Chi phí xét nghiệm tế bào đợt này tôi đã đưa trực tiếp cho cô M. 400.000 đồng, không có hóa đơn”. Khoảng 9 giờ 34 ngày 24.6, chị Đ. vào phòng siêu âm của BVUB cho bác sĩ B.M lấy tế bào mang đi xét nghiệm. Nhưng điều lạ tiếp theo là tế bào được đưa đến một cơ sở xét nghiệm tư nhân ở Q.5 xét nghiệm, chứ không phải xét nghiệm tại BVUB. Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc xét nghiệm tế bào tại phòng xét nghiệm ở Q.5 chỉ tốn 70.000 đồng. Trở lại trường hợp BN Hải Yến, sau khi vào phòng siêu âm bác sĩ B.M hỏi số thứ tự thì BN không có, nhưng chỉ cần nói do cô M. giới thiệu là vị bác sĩ này lập tức tiến hành làm thủ tục siêu âm... Khám xong, Hải Yến không đưa tiền “tươi” như trường hợp của chị Đ. mà đề nghị có hóa đơn thu viện phí. Lập tức, nét mặt bác sĩ B.M sa sầm lại. Sau khi trách móc tại sao BN không nói trước sẽ lấy hóa đơn (?!), bác sĩ B.M còn gọi cô M. xuống trách cứ... Cuối cùng, nhân viên phòng siêu âm cũng xuất hóa đơn thu viện phí 300.000 đồng cho BN Hải Yến, dù hồ sơ siêu âm của Hải Yến hôm đó hoàn toàn không có số thứ tự, không được bác sĩ ở phòng khám ngoại chẩn khám... như những hồ sơ bình thường khác. Đáng lưu ý, ngoài cô M. còn một nhân viên tên H. (phòng CT của BVUB) cũng tham gia đường dây “biến bệnh viện công thành phòng mạch tư” này. Ngày 12.7, chúng tôi gọi điện cho cô H. xin được siêu âm “siêu tốc”. Đúng hẹn, ngày 15.7, 2 “BN” là N.T.T.D và T.T.T.M đến BVUB không cần lấy số thứ tự nhưng vẫn được cô H. đưa vào phòng cho bác sĩ B.M siêu âm với giá 200.000 đồng/người, tuyệt nhiên không có hóa đơn. Sau đó, chúng tôi liên lạc “đặt chỗ” cho nhiều BN khác và luôn được cô M., cô H. đồng ý. Với mỗi BN, “đường dây” nói trên thu tiền “tươi” từ 200-400 ngàn đồng và hầu hết không xuất hóa đơn. Theo phản ánh, mỗi ngày bình quân “đường dây” này “bảo kê” cho từ 5-10 bệnh nhân, số tiền thu được hàng triệu đồng. Tiền thu không xuất hóa đơn, chắc chắn sẽ không được hạch toán vào nguồn thu hợp pháp của bệnh viện. Vậy sẽ chảy vào túi những ai? Đàm Huy

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200931/20090728013426.aspx