BIDV chưa có tân chủ tịch HĐQT

Kết thúc Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, BIDV vẫn chưa có tân chủ tịch HĐQT, mặc dù ông Phan Đức Tú đã được thông qua là người đại diện theo pháp luật và ông Trần Anh Tuấn đang được giao điều hành HĐQT.

Trao đổi với Dân Việt, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, cho biết để có tân chủ tịch HĐQT chính thức thì phải tổ chức một cuộc họp HĐQT nữa.

BIDV chưa có tân chủ tịch HĐQT

Sáng nay, ngày 22.10, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua nội dung sử đổi điều lệ BIDV, phê chuẩn nội dung sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT BIDV.

Điểm sửa đổi căn bản nhất được đại hội thông qua là ông Phan Đức Tú là người đại diện theo pháp luật của BIDV. Theo đó, một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh này cũng đã được sửa đổi phù hợp.

Tại ĐHĐCĐ bất thường, không ít cổ đông lo ngại về khả năng đảm bảo yêu cầu của BIDV khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng theo quy định của Basel II. Đặt câu hỏi với ban lãnh đạo, một cổ đông hỏi, việc trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ ảnh hưởng thế nào tới việc áp dụng theo tiêu chuẩn của Basel II, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) có đạt được mức tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước là 9%?

Về lo ngại này, ông Phan Đức Tú chia sẻ, việc chia cổ tức bằng tiền mặt đã khiến không ít cổ đông trăn trở, một mặt thì muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt để hiện thực hóa lợi nhuận, một mặt muốn ngân hàng mà mình đầu tư phát triển bền vững hơn.

“Về hệ số CAR, tôi xin chia sẻ thật, hiện BIDV đang ở ngưỡng hơn 9%, gần tiệm cận với mức tối thiếu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. BIDV cũng nằm trong danh sách 10 ngân hàng sẽ áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt đã được HĐQT cân nhắc rất nhiều lần.

“Nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng có cơ hội tăng vốn, còn trả cổ tức bằng tiền mặt, tiền đó sẽ chảy vào ngân sách Nhà nước, BIDV không còn nhiều cơ hội để tăng vốn tự có. Tuy nhiên, HĐQT vẫn quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt và trong mọi trường hợp BIDV vẫn đảm bảo các yêu cầu an toàn hoạt động theo pháp luật và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước”, ông Tú chia sẻ.

Theo ông Tú nhấn mạnh, về quyền lợi của cổ đông, BIDV nhất định sẽ đảm bảo. “Chúng tôi mong muốn gia tăng vốn tự có, trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Trước mắt thì chưa thể đáp ứng được nhưng về lâu dài sẽ có”, ông Tú cam kết.

Nợ xấu cũng là vấn đề khiến cổ đông lo ngại, nhất là khi số lượng trái phiếu đặc biệt VAMC của BIDV quá lớn, hơn 20.500 tỷ đồng; hay như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay ngắn hạn trên dài hạn...

Về vấn đề này, ông Tú cho biết tỷ lệ người gửi tiền trung dài hạn rất ít, chủ yếu là ngắn hạn, trong khi đó, nhu cầu vốn trung dài hạn trong nền kinh tế rất lớn. Hầu hết các ngân hàng thường có sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trên 40%, tỷ lệ này ở BIDV hiện nay là 45%. Từ 1.7.2017, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ này là 40%, BIDV vẫn đáp ứng được theo quy định.

Còn riêng về nợ xấu, ông Tú khẳng định BIDV vẫn luôn trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho tất cả các khoản tín dụng cho vay và trái phiếu VAMC. “Dự kiến năm 2016, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khoảng 6.500 – 7.000 tỷ đồng và đảm bảo lợi nhuận ĐHĐCĐ đặt ra hồi đầu năm. Riêng khoản trái phiếu VAMC khoảng 20.500 tỷ đồng, mỗi năm trích 20% cũng đã được BIDV đã trích đủ. Dự kiến, năm nay trích khoảng 4.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng cho trái phiếu này”, ông Tú cho biết.

Cũng trong ngày 22.10, BIDV đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý III.2016 với tổng tài sản của ngân hàng trên 947.000 tỷ đồng, tăng 11,8% so với thời điểm đầu năm; Cho vay khách hàng đạt 662.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12%; Tiền gửi của khách hàng đạt 712.000 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh trên 25%.

Điểm đáng lưu ý là chi phí hoạt động tăng mạnh. Theo đó, chi phí hoạt động trong kỳ chiếm hơn 3.000 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, gấp gần 6 lần quý III.2015 lên hơn 2.400 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm, BIDV phải trích lập gần 7.000 tỷ đồng, tăng 80%.

Lợi nhuận trước thuế của BIDV trong quý III.2016 đạt 2.376 tỷ đồng, tăng 5,6%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 5.623 tỷ và 4.569 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.

Sau 9 tháng đầu năm, riêng ngân hàng có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tiếp tục tăng mạnh thêm 46% lên gần 7.000 tỷ đồng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bidv-khong-can-thiet-phai-co-tan-chu-tich-hdqt-717410.html