Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng: Đã tự chủ trong giáo dục thì bỏ giới hạn biên chế

“Bây giờ là lao động thị trường, chúng ta trả lương thấp thì người lao động không đến. Nhà nước chỉ quản lý nội dung đào tạo, còn cơ sở vật chất, lương nhân viên, học phí cần được tự chủ. Đã tự chủ là quyền của người ta chứ, tại sao đòi biên chế được?” - Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nói về việc tự chủ và xã hội hóa trong giáo dục tại cuộc làm việc với Đảng ủy Sở GDĐT TPHCM, ngày 23.2.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc với Đảng ủy Sở GDĐT TPHCM. Ảnh: P.V

Học sinh béo phì vì “học tối ngày”

Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, năm học này TPHCM có 2.168 cơ sở giáo dục với 43.740 lớp từ mầm non đến THPT; tổng cộng hơn 1,7 triệu học sinh (HS) và 83.000 giáo viên. Hiện tỉ lệ học 2 buổi mỗi ngày ở bậc mầm non đạt gần 100%, tiểu học 73%, riêng bậc THCS và THPT tỉ lệ này còn thấp do cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Theo ông Sơn, ngành giáo dục thành phố phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 80% HS được học 2 buổi/ngày. Để làm được điều này, thành phố phải phấn đấu đầu tư xây dựng trường lớp đảm bảo 300 phòng học/10.000 dân, với sĩ số 30 - 35 HS/lớp.

Về vấn đề này, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, HS đã học hai buổi/ngày thì tại sao vẫn phải đi học thêm buổi tối. Ở Nhà Bè chẳng hạn, HS đã được học hai buổi nhưng vẫn còn tình trạng phải đi học thêm. Điều này cần phải xem lại. Theo ông Thăng, hiện nay nhiều HS than học nhiều quá, vậy kế hoạch giảm tải của ngành giáo dục như thế nào? “Tôi đi nhiều trường thấy HS béo phì nhiều quá. Công tác thể dục thể thao trong trường ra sao? Do cơ sở vật chất chưa đủ hay do các cháu học hành nhiều quá” - Bí thư Thăng nói.

Theo Bí thư Thăng, ngành giáo dục phải làm sao để HS được tập luyện thể dục thể thao, nhất là bơi lội phải làm sao để đảm bảo 100% HS biết bơi, kể cả thầy cô giáo. Về phổ cập bơi cho học sinh, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho hay, năm nay, thành phố có 81 hồ bơi ở các trường, tập trung ở khu vực nội thành, ngoại thành còn ít, như huyện Cần Giờ chỉ có một hồ bơi. Hồ bơi di động thì hạn chế bởi mỗi ca chỉ được 12 em bơi. Hiện, tỉ lệ HS tiểu học biết bơi là 41%, trung học là 61%.

Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu ngành giáo dục phải có lộ trình giảm tải chương trình cho học sinh để tạo điều kiện cho học sinh được vui chơi, giải trí và rèn luyện thể dục thể thao. Đồng thời, ngành giáo dục cũng phải tiến tới chấm dứt dạy thêm học thêm tràn lan gây tiêu cực và trái quy định từ nay đến năm 2020.

Năng lực giống nhau nhưng giáo viên nội lương thấp hơn giáo viên ngoại

Theo ông Lê Hồng Sơn, vấn đề tự chủ trong giáo dục ở TPHCM đang gặp phải hai vấn đề vướng mắc. Đó là tự chủ tài chính nhưng vẫn có mức trần và tự chủ nhưng biên chế vẫn bị giao chỉ tiêu. “Toàn thành phố có 5 đơn vị tự đảm bảo hoàn toàn chi phí hoạt động, tuy nhiên, mức học phí vẫn phải giữ ở mức trần quy định của Bộ Tài chính. Hiện mỗi năm, thành phố chi ngân sách vẫn chưa đủ để đảm bảo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng tiêu chuẩn về trường lớp trong hoàn cảnh dân số cơ học đang tăng rất nhanh” - ông Sơn nói.

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, mức trần học phí là cần thiết, bởi đã đầu tư cho giáo dục thì không tính đến lợi nhuận và phải đúng định hướng về nội dung. Tuy nhiên, Bí thư Thăng cho hay đã đến lúc phải bỏ biên chế. “Bây giờ là lao động thị trường, chúng ta trả lương thấp thì người lao động không đến. Nhà nước chỉ quản lý nội dung đào tạo, còn cơ sở vật chất, lương nhân viên, học phí cần được tự chủ. Đã tự chủ là quyền của người ta chứ, tại sao đòi biên chế được?” - Bí thư Thành ủy TPHCM nói thêm.

Cũng vấn đề vướng cơ chế, ông Nguyễn Văn Hiếu “than khó” với Bí thư Thăng về việc thu hút giáo viên giỏi dạy môn tiếng Anh ở bậc tiểu học. Theo ông Hiếu, TP từng thuê giáo viên dạy tiếng Anh người Philippines với mức lương 2.000USD/tháng (khoảng 45 triệu đồng), trong khi nhiều giáo viên Việt Nam có năng lực đạt chuẩn tương đương nhưng lương lại thấp hơn rất nhiều. “Chính vì thế nhiều giáo viên dạy tiếng Anh giỏi xin nghỉ, chọn các trường quốc tế, trung tâm ngoại ngữ để dạy” - ông Hiếu nói. Nghe vậy, Bí thư Thăng hỏi lại: “Vô lý thật, tại sao năng lực giống nhau mà giáo viên Việt Nam lương lại thấp hơn giáo viên Philippines? Như vậy khác nào chảy máu ngoại tệ”.

Bí thư Thăng chỉ đạo Sở GDĐT TP phối hợp với Sở Tài chính TP mạnh dạn đề xuất cơ chế, thí điểm việc tự chủ tài chính, khi đó mới nâng chất lượng công tác giảng dạy. “Muốn hội nhập thì công tác dạy tiếng Anh từ nhỏ cho các cháu là rất quan trọng. Cần tuyển giáo viên giỏi, đủ chuẩn năng lực giảng dạy, các cháu mới học hiệu quả”, ông Thăng nói. Bí thư đề nghị lấy tiền xã hội hóa trả thêm phụ cấp cho giáo viên dạy tiếng Anh. “Phải có cơ chế trả lương giáo viên dạy tiếng Anh, chứ ở TPHCM mà bằng với tỉnh Lai Châu thì sao được?” - ông Thăng nói.

MINH QUÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/bi-thu-thanh-uy-tphcm-dinh-la-thang-da-tu-chu-trong-giao-duc-thi-bo-gioi-han-bien-che-641063.bld