Bí thư, chủ tịch tỉnh không thuộc diện được cảnh vệ

Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật Cảnh vệ với đa số phiếu tán thành. Theo đó, các đối tượng cảnh vệ được quy định tại Luật được giữ nguyên so với Pháp lệnh Cảnh vệ...

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 20/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cảnh vệ với 455 phiếu tán thành, chiếm 92,67% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật Cảnh vệ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018. Theo đó, Pháp lệnh Cảnh vệ số 25/2005/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Trước đó, trình bày Báo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, ngày 6/6 vừa qua, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh vệ.

Ngay sau phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Với bố cục gồm 6 chương, 33 điều, Luật Cảnh vệ quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.

Đối tượng áp dụng của Luật là đối tượng cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động cảnh vệ.

Về Quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong các trường hợp sau:

Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ và các trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đối với nội dung liên quan đến danh sách đối tượng cảnh vệ, Luật quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ , Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ; Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Như vậy, Quốc hội đã thống nhất giữ nguyên các đối tượng được cảnh vệ như tại Pháp lệnh Cảnh vệ. Trước đó, có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ như: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, chánh án Tòa án nhân dân Tối cao... để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Một số tỉnh cũng đề xuất bí thư, chủ tịch tỉnh nằm trong diện cảnh vệ.

N.Mạnh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/bi-thu-chu-tich-tinh-khong-thuoc-dien-duoc-canh-ve-2887480.html