Bí quyết lôi kéo phụ huynh cùng tham gia các hoạt động giáo dục

Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non, giáo viên cần biết phối kết hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm tạo điều kiện cho trẻ có được môi trường học tập tốt nhất, giúp trẻ phát triển và hình thành nhân cách một cách toàn diện.

Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa và mời phụ huynh cùng tham gia. Ảnh minh họa/internet

Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa và mời phụ huynh cùng tham gia. Ảnh minh họa/internet

Dưới đây là chia sẻ của cô Lê Ngọc Lệ - Giáo viên dạy giỏi Trường mầm non Bông Sen (Mỹ Tho, Tiền Giang).

Chiến thuật "mưa rầm thấm lâu"

Để lôi cuốn phụ huynh cùng tham gia với giáo viên trong lớp, theo tôi giáo viên cần đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác tuyên truyền đến phụ huynh theo phương pháp "mưa rầm thấm lâu", với các thông điệp như:

Hãy lắng nghe trẻ nói; Thật thà trung thực khi chơi; Lỡ sai biết lỗi bé thời đáng khen; Trao đồ lễ phép, hai tay đón nhận, điều hay bé làm; Đánh răng súc miệng hàng ngày; Miệng thơm răng trắng đẹp thay nụ cười; Kính trọng yêu quý ông bà; Vâng lời cô giáo thương cha mẹ mình; Bạn khóc bé lại dỗ dành, bạn ngã lại đỡ chẳng đành đứng xem.

Ngoài ra, tôi vận động phụ huynh góp nhặt các nguyên vật liệu phế thải, cung cấp cho lớp học để cô, trò cùng sáng tạo ra những sản phẩm học tập gần gũi, ít tốn kém.

Nhờ đó mà trẻ luôn háo hức đến lớp, để được tham gia các hoạt động sáng tạo thông qua các vật dụng mà phụ huynh mang đến.

Để phụ huynh xắn tay vào các hoạt động giáo dục

Để phụ huynh hiểu hơn về các hoạt động của lớp, từ đó xắn tay vào các hoạt động, cách làm của tôi là sau mỗi học kỳ, tôi đều mời phụ huynh đến tham quan lớp học, xem các bé học tập và sinh hoạt ở lớp, nhất là hoạt động học có chủ đích và các ngày lễ hội.

Thông qua đó phụ huynh biết được trên lớp trẻ được hoạt động như thế nào, giáo viên tổ chức ra sao, trẻ có mạnh dạn tích cực hay còn nhát so với bạn.

Từ đó, phụ huynh sẽ phối hợp với giáo viên để có biện pháp giúp trẻ hoàn thiện hơn, đặc biệt là giúp trẻ phát triển tình cảm – kỹ năng sống, làm hành trang chuẩn bị vào lớp 1.

Ngoài ra, tôi hướng phụ huynh vào nhiều hoạt động khác nhau như: Cùng con đến trường. Ở hoạt động này, tôi sẽ mời phụ huynh tham dự các tiết học sau đó để phụ huynh chứng kiến con em mình học, tham gia các trò chơi như:

Gạch bỏ hành vi sai, tô màu hành vi đúng; hoặc cho học sinh vẽ bằng các nguyên vật liệu khác nhau; khám phá, trải nghiệm những điều khó thực hiện, tìm hiểu về côn trùng và động vật v.v..

Từ những hoạt động phối hợp như trên, giáo viên cần nhanh chóng hình thành ở trẻ những hành vi tốt, những thói quen và những kỹ năng sống chuẩn mực. Đồng thời giúp trẻ giao lưu cùng các bạn trong lớp.

Mục là nhằm tạo nên nhu cầu tự học, tự rèn luyện thói quan đào sâu suy nghĩ về một vấn đề nào đó của trẻ. Dần dần trẻ được hình thành thói quen suy nghĩ một cách chủ động, độc lập sáng tạo và biết chia sẻ những suy nghĩ của mình với người khác.

Phương pháp giảng dạy theo hướng “Lấy người học làm trung tâm” nhấn mạnh vào việc tự học, tự nghiên cứu của cá nhân với các hoạt động học tập theo nhóm.

Mối quan hệ giữa các bé không chỉ là sự kết bạn cùng sở thích riêng như hiện nay, mà còn là mối quan hệ chia sẻ kiến thức trong nhóm khi thảo luận trên lớp và các hoạt động theo nhóm ngoài lớp học, khi cùng làm một bài tập sưu tầm hay nghiên cứu nhỏ.

Mối quan hệ giữa trẻ sẽ thân thiện hơn, gắn bó hơn do các bé tham gia các hoạt động không chỉ vui chơi giải trí mà còn học tập với nhau, chia sẻ công việc và tri thức cùng với nhau.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/bi-quyet-loi-keo-phu-huynh-cung-tham-gia-cac-hoat-dong-giao-duc-2528592-v.html