Bí quyết giữ chiêng của làng Kon Ktủh

Mỗi khi thấy chiêng cổ có nguy cơ rơi vào tay người lạ, dân làng Kon Ktủh (Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) lại sẵn sàng nhịn đói, làm thuê để tìm mọi cách chuộc chiêng, gìn giữ như báu vật truyền cho đời sau.

Già A Blếch dạy học trò đánh cồng chiêng.

Đến làng Kon Ktủh, chúng tôi được nghe già A Blếch kể về kỳ tích gìn giữ chiêng cổ của dân làng: Cách đây gần 35 năm, chiêng cổ này là của một người dân trong làng được cha ông họ giao lại cất giữ. Năm đó nắng hạn, cây lúa không cho người dân hạt. Già trẻ trong làng vào rừng đào củ mài để ăn. Đúng lúc đó, một người lạ từ đồng bằng mang 10 cây vàng lên đổi chiêng cổ, gia đình giữ chiêng nhận lời. “Nghe tin chiêng cổ sẽ mất cả dân làng hoang mang. Ai cũng lo tới mùa lễ hội, cúng lúa mới… không có tiếng chiêng làm sao những đôi trai gái nắm tay nhau nhảy được” – Già A Blếch xúc động nói.

Để giữ chiêng chỉ còn cách là mua lại, nhưng tài sản giá trị nhất trong gia đình già A Blếch lúc đó chỉ là 1 con dao phát rẫy. 10 cây vàng, đi đào vàng cả chục năm cũng không được. Bế tắc, già A Blếch quyết định mời 7 người lớn tuổi trong làng đến để bàn cách. Họ thống nhất kế sách huy động già trẻ trong làng đi làm thuê, mượn vàng những buôn làng khác để mua chiêng. Buổi họp tại nhà rông với đủ cả già trẻ, tất cả đều đồng lòng đi làm thuê để mua chiêng và cả dân làng gom góp được 3 cây vàng.

Người Jrai vốn trọng chữ tín, già A Blếch đưa trả người mua chiêng kia 2 cây vàng, 1 cây trả lại việc đã đặt cọc, 1 cây nhằm đền lại việc người bán chiêng thất hứa. “Một tuần dân làng đi làm thuê 3 ngày cho tất cả những người trong xã lấy tiền mua lại chiêng. Sau 2 năm làm thuê, người dân đã giao chiêng cổ cho mình cất giữ” – Già A Blếch kể xong, miệng cười rộng mở, nói một câu chắc nịch : “Tiếng chiêng này hay hơn các tiếng chiêng khác, bởi nó có sự đồng lòng, công sức của cả buôn làng gìn giữ ”.

Dẫn chúng tôi về nhà, già A Blếch chỉ chỗ cất báu vật. Đó là một vị trí có khóa cẩn thận. Già A Blếch lấy trong chiếc bao ra bộ chiêng, sắp xếp theo thứ tự. Trong các dịp như đám cưới, cúng bến nước, cúng lúa mới… già A Blếch lại mang chiêng đến, chọn những học trò giỏi nhất đánh tiếng chiêng ngân vang núi rừng.

“Để bảo vệ chiêng cổ không rơi vào tay người lạ, mình nói đám thanh niên trong làng nếu ai đến đánh cắp sẽ gọi thanh niên đầu làng bao vây, bởi chỉ có một con đường duy nhất để vào làng Kon Ktủh, chỉ cần một tiếng hú báo hiệu là không tên trộm nào thoát được. Điều quan trọng hơn cả là dân làng đồng lòng gìn giữ, bảo vệ” – Già A Blếch nói.

Ông Trần Đình Trung - Phó Phòng VH&TT huyện Kon Rẫy vui vẻ nhận xét: Việc dân làng Kon Ktủh góp tiền mua chiêng thật quý giá, thể hiện ý thức giữ gìn văn hóa cồng chiêng trong nhân dân. Riêng già A Blếch còn dạy đánh cồng chiêng miễn phí cho người trong làng và học sinh, là việc làm rất ít người làm được. Sắp tới huyện sẽ làm bằng khen , tuyên dương, trao thưởng, nhằm động viên tấm lòng của nghệ nhân giúp buôn làng giữ gìn được chiêng cổ.

Kim Văn

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/bi-quyet-giu-chieng-cua-lang-kon-ktuh-1131709.tpo