Bí quyết cho các cặp đôi hay cãi nhau, nhưng lại luôn đến được với nhau

Hãy nhớ rằng những cặp đôi hạnh phúc không chỉ tận hưởng những giây phút hòa hợp cùng nhau, mà họ còn phải thừa nhận và tôn trọng những điểm khác biệt của đối phương.

Cách mà một cặp đôi giải quyết những mâu thuẫn có thể nói lên được tình trạng mối quan hệ, bạn cũng có thể dự đoán mối quan hệ đó kéo dài bao lâu nếu được chứng kiến cách họ giải quyết những vấn đề. Vì vậy bạn cần phát triển những thói quen tốt khi giao tiếp, kể cả lúc tranh cãi, nếu như bạn muốn có một “Happy ending”.

1. Đừng tránh né vấn đề

Không một ai thích tranh cãi, kể cả những cặp đôi hạnh phúc cũng không bao giờ đồng ý hoàn toàn với tất cả những gì đối phương thể hiện. Tuy nhiên một số bạn có khuynh hướng dễ dàng thỏa hiệp và phục tùng khi có bất đồng ý kiến, vì lo sợ sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ hoặc quá mệt mỏi để giải quyết những mâu thuẫn đó. Nhưng bạn cần nhớ rằng khi đang ở trong một mối quan hệ, tất cả sự lựa chọn của bạn đều ảnh hưởng đến cả hai. Vì vậy đừng tránh né những vấn đề chỉ vì bạn cảm thấy điều đó dễ dàng hơn cho bản thân. Hãy đối mặt với những mâu thuẫn bằng một thái độ tích cực, nó sẽ mang đến một kết quả tích cực không kém.

Hãy đối mặt với những mâu thuẫn bằng thái độ tích cực

2. Đừng cố tấn công đối phương

Điều tệ nhất thường xảy ra trong những mối quan hệ là sử dụng điểm yếu của đối phương như một vũ khí chống lại họ. Ví dụ như khi bạn cố gắng khiến đối phương bị tổn thương bởi những điểm yếu mà đối phương đã từng tâm sự với bạn. Hãy nhớ rằng đây không phải là một cuộc chiến, không nhất thiết phải có người thắng, người thua, bạn chỉ nên tập trung vào việc giải quyết vấn đề. Đừng tấn công đối phương bằng việc tố cáo hay đỗ lỗi. Những hành động đó không chỉ đẩy hai bạn ra xa những giải pháp.

3. Lắng nghe một cách tôn trọng

Nếu đối phương đang rất tức giận nói về một điều gì đó, bạn chỉ cần lắng nghe họ kể cả bạn cảm thấy những gì họ đưa ra thật ngớ ngẩn và vô lý. Đừng cố ngắt lời họ, bạn chỉ cần ở đó và lắng nghe, bạn vẫn có thể bày tỏ quan điểm của mình sau khi đối phương kết thúc “bài diễn văn”. Điều đó chứng tỏ mặc dù cả hai đang tranh chấp nhưng bạn vẫn lắng nghe đối phương một cách đầy tôn trọng. Nếu bạn đáp lại thái độ tức giận của đối phương bằng một thái độ tức giận khác thì cả hai sẽ chẳng đi được đến đâu. Bạn cũng cần cẩn thận hơn với ngôn ngữ cơ thể, nó có thể phản ánh sự phân tâm của bạn khi cả hai đang tranh chấp. Bạn hãy nhìn vào đối phương, ngưng tất cả mọi công việc, sử dụng ánh mắt của mình để họ thấy được sự tôn trọng của bạn.

Đừng quên sức mạnh từ ánh nhìn của bạn.

4. Giữ “âm lượng” vừa phải

Nếu như đối phương hét lớn tiếng khi tranh cãi, điều đó không có nghĩa là bạn cũng cần phải gào lên để lấn át. Điều này sẽ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn vì cả hai không còn chú ý và cũng không thể nghe rõ ràng những gì đối phương đang cố diễn đạt khi mọi thứ trở nên quá ồn ào.

5. Đưa ra nhận xét một cách chân thành

Hãy thành thật với đối phương về những cảm nhận của bạn một cách nhẹ nhàng và chân thành khi họ chia sẻ ý kiến. Nếu bạn phản ứng lại với những quan điểm, suy nghĩ của đối phương bằng thái độ quá quắt thì bạn cũng đừng trông đợi họ tiếp tục bày tỏ quan điểm với bạn. Hãy tế nhị khi bạn muốn đưa ra quan điểm cá nhân và đặt một mốc giới hạn cho cơn giận dữ của bạn.

6. Đừng đưa ra giả định

Khi cả hai đang mâu thuẫn và bạn bắt đầu nói theo cảm tính sau đó vội vàng đưa ra kết luận, điều này làm cho cuộc tranh cãi trở nên phức tạp hơn. Một ví dụ cụ thể là khi đối phương trả lời tin nhắn của bạn chậm trễ, bạn sẽ cho rằng họ đang chán ghét mối quan hệ này. Bạn cần xác định vấn đề ở đây là gì, không đưa ra bất kỳ giả định hay phán đoán nào và yêu cầu đối phương làm tương tự. Nó có thể giúp bạn tìm ra được gốc rễ của vấn đề.

Hãy nhớ rằng các bạn là những người đang yêu nhau.

7. Khám phá tất cả những lựa chọn

Sau khi tìm hiểu ngọn ngành vấn đề, cũng đến lúc cả hai phải đưa ra những giải pháp cần thiết. Cách tốt nhất để tìm ra một lựa chọn hiệu quả là “khai phá” toàn bộ những lựa chọn mà các bạn có. Hãy hợp tác với nhau, chiến tranh sẽ kết thúc khi bạn và đối phương bắt đầu sự hợp tác đó. Hãy lắng nghe những gợi ý của đối phương và đưa ra những gợi ý của bạn. Cả hai bắt đầu phân tích và đưa ra kết luận, và luôn nhớ rằng các bạn là một đội và là những người yêu nhau.

8. Để đối phương rút lui trong danh dự

Cuộc chiến sau khi kết thúc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của bạn, vì thỉnh thoảng bạn quá hiếu thắng nên quên mất việc tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề mới là mục đích chính chứ không phải tìm ra ai là người thắng cuộc. Kể cả bạn là người đúng trong cuộc tranh cãi thì cũng không nên xúc phạm hay làm đối phương cảm thấy mất mặt. Hãy nhớ rằng khi mâu thuẫn kết thúc mà đối phương cảm thấy tổn thương hoặc xấu hổ, thì bạn đã thất bại. Không chỉ vậy, nó có thể đang nhen nhóm cho một cuộc chiến khác trong tương lai.

T/H

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/bi-quyet-cho-cac-cap-doi-hay-cai-nhau-nhung-lai-luon-den-duoc-voi-nhau-86169/