'Bí mật' thép giá rẻ Trung Quốc

Thép Trung Quốc đang được bán với giá vô cùng rẻ được xem là nguyên nhân gây bóp méo thị trường quốc tế và đẩy những nhà sản xuất đối thủ ở nước ngoài rơi vào cảnh điêu đứng. Vậy nguyên nhân và giải pháp cho bài toán hóc búa này là gì?

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đang đau đầu trước sản lượng thép giá rẻ của Trung Quốc được xuất khẩu ồ ạt. Mới đây nhất, tập đoàn sản xuất thép Tata lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ 6 trên thế giới đang có ý định rút lui do không thể cạnh tranh được với Trung Quốc. Mới đây, hàng ngàn công nhân Đức đã xuống đường biểu tình đề nghị giới chức nước này ngăn chặn dòng thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc – vốn đang đe dọa nghiêm trọng đến việc làm của người lao động trong ngành thép.

Do kinh tế đi xuống

Ngành công nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc không ngừng mở rộng. Trong 25 năm qua, quy mô sản xuất thép của nước này tăng hơn 12 lần. Trong khi đó, sản lượng của Liên minh Châu Âu (EU) giảm 12%, còn của Mỹ thì giữ nguyên.

Trong vài thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 2 con số chính là động lực thúc đẩy sự phát triển chóng mặt của ngành thép. Điều đó khiến nhu cầu thép trong nước ngày càng tăng và chính phủ đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp này. Thế nhưng, nền kinh tế đang trên đà suy thoái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu nội địa. Bắc Kinh sản xuất hơn 822 triệu tấn thép năm 2014 và dự kiến sẽ sản xuất nhiều hơn trong năm nay nhưng nhu cầu thép trong năm 2016 dự kiến chỉ 672 triệu tấn. Do đó, thép Trung Quốc được bán ra thị trường quốc tế với giá cực kỳ thấp, thậm chí dưới giá thành. Hậu quả là các hãng sản xuất thép ở nhiều nước khác khó cạnh tranh hơn.

Hàng ngàn công nhân trong ngành thép của Đức đổ xuống đường biểu tình hôm 11-4. Ảnh: BBC

Bài toán hóc búa

Theo các nhà phân tích, trong khi các nước khác than phiền về thép giá rẻ Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp của họ phá sản, bản thân nước này cũng đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Sự bùng nổ quy mô sản xuất trong những năm qua cho thấy, nếu cắt giảm sản xuất sẽ dẫn đến cắt giảm việc làm và tăng nguy cơ gây bất ổn xã hội ở nước này. Vì thế, khó có khả năng Trung Quốc sẽ giảm mạnh sản lượng, và nếu nhu cầu nội địa không tăng, thép rẻ Trung Quốc sẽ vẫn ảnh hưởng thị trường toàn cầu. Để ngăn chặn tình hình này, một giải pháp đơn giản được đưa ra là điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng thép cao hơn so với trước. Ví dụ, nếu một nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp 1 tấn thép với giá rẻ, các nước nhập khẩu sẽ đánh thuế dựa trên giá gốc.

Điều này sẽ khiến thép nhập khẩu từ Trung Quốc đắt hơn so với trong nước và sẽ làm tăng tính cạnh tranh thị trường thép trong nước nhập khẩu. Hiện nay, các nước sản xuất thép như Ấn Độ, Mỹ và Indonesia tăng thuế nhập khẩu đối với thép Trung Quốc. Tuy nhiên, giải pháp này khó mà thực hiện được tại các quốc gia Châu Âu vì Trung Quốc hiện đang là một đối tác thương mại “cỡ bự” của những nước này. Nếu đánh thuế cao hơn sẽ có nguy cơ gây ra cuộc chiến thương mại thuế quan nhập khẩu trên tất cả các mặt hàng khác.

Thép là một thành phần quan trọng đối với ngành công nghiệp sản xuất ở mọi quốc gia trên thế giới. Vì vậy, đối với các ngành công nghiệp khác, thép giá rẻ là tín hiệu tốt. Nhưng nếu đặt địa vị là một công nhân làm việc trong ngành thép ở Châu Âu, thép giá rẻ của Trung Quốc có thể khiến doanh nghiệp thép trong nước phá sản và hiển nhiên công nhân bị mất việc. Ngược lại, nếu là công nhân thép ở Trung Quốc thì hiển nhiên không ai muốn Bắc Kinh cắt giảm sản lượng xuất khẩu thép vì cũng sẽ ảnh hưởng đến việc làm hiện tại. Dù cố ý hay không, người lao động trong ngành thép sẽ vẫn là những người dễ bị tổn thương nhất.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_147723_-bi-mat-thep-gia-re-trung-quoc.aspx