Bí mật sau nụ cười khóe miệng của người Nhật: Cười khi vui, cười khi sợ hãi, cười cả khi... chồng con vừa chết

Người Nhật có thể cười để che giấu nỗi buồn, cười xã giao, kiểu cười riêng khi gặp đối tác làm ăn và cách cười khi gặp sếp của mình. Người ta từng nói rằng chỉ có người Nhật nhìn người Nhật mới có thể biết được nụ cười trên khuôn mặt kia biểu thị cho niềm vui, nỗi buồn hay sự sợ hãi, tuyệt vọng.

Văn hóa Nhật đề cao sự im lặng, im lặng cả khi quá vui, quá buồn, khi khinh bỉ, miệt thị.

Ryunosuke Akutagawa (1892 – 1927) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất lịch sử Nhật Bản dù ông qua đời từ khi còn rất trẻ. Ông được mệnh danh “cha đẻ” của truyện ngắn Nhật Bản. Một trong những tác phẩm rất nổi tiếng của ông được sáng tác khoảng năm 1916 đã được coi như biểu tượng cho tính cách Nhật bản.

Nụ cười thường trực khóe miệng khi nói tin con trai qua đời

Ông nổi danh với nhiều quan sát tinh tế và sâu sắc về diễn biến tâm lý của người Nhật. Truyện ngắn “Chiếc khăn tay” của ông có thể coi như minh họa rõ nhất cho tài năng phác họa rõ nét chân dung của người Nhật trong nỗi đau khổ.

Chuyện kể về giáo sư Kinzo Hasegawa tại đại học Tokyo Imperial University trong lần gặp một bà mẹ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khiến ông kinh ngạc. Theo trích đoạn từ VNThuquan, một ngày nọ, khi ông đang ngồi trong phòng làm việc của mình, có một bà mẹ gửi danh thiếp có tên Nishiyama Atsuko qua người nhà của ông đề nghị được gặp gỡ. Dù đã rất vận động trí óc để nhớ xem người đó là ai nhưng ông không thể nhớ ra, tuy nhiên vì không quá bận rộn nên ông vẫn quyết định xuống gặp.

Khi cửa phòng khách mở ra, giáo sư bước vào, người đàn bà trạc tuổi 40 ngồi trên ghế bành bỗng đứng bật dậy. Mới chỉ nhìn thoáng qua, ông đã nhận ra ngay người đàn bà này toát lên vẻ vô cùng sang trọng, lịch thiệp, quyền quý. Bà mặc bộ kimono màu lụa xám ánh lục với loại vải thuộc phẩm cấp quá cao sang mà giáo sư còn chưa biết đến.

Bà búi tóc theo kiểu marumage vốn rất thịnh hành với phụ nữ có chồng thời bấy giờ. Da mặt của bà trắng hồng, khuôn mặt tròn và ánh nhìn luôn toát lên vẻ kiêu hãnh của người mẹ hiền dâu thảo đến từ gia đình có thứ bậc trong xã hội Nhật.

Sau khi quan sát hết ngần ấy chi tiết, giáo sư cũng chợt cảm thấy khuôn mặt này có chút gì đó quen quen nhưng ông chưa thể nhớ ra. Và cả hai cùng chào nhau. Người đàn bà chủ động giới thiệu trước tên mình, cúi đầu lễ phép chào giáo sư. Trước khi ngồi xuống ghế, bà lấy trong tay áo ra chiếc khăn tay màu trắng. Bà khen nhà giáo sư thật đẹp và tiện nghi. Vốn đã quá quen với kiểu khen xã giao đó nên giáo sư chỉ muốn bà ấy nhanh đi vào đề tài chính mà bà muốn nói.

Sau khi bà mẹ giới thiệu tên, giáo sư đã chợt nhớ ra khuôn mặt của cậu sinh viên có tên Nishiyama Ken-ichiro chuyên nghiên cứu về luật của Đức nhưng những tháng trước đó hay mang nhiều vấn đề liên quan đến chính trị đến hỏi giáo sư. Giáo sư hòi người mẹ: “Bệnh tình của con trai bà đã khá hơn chưa, khi nào cậu ấy trở lại trường?”. Đáp lại ông là sự im lặng.

Người phục vụ mang trà ra, ông mời bà dùng trà. Sau đó thấy bà không dùng, ông nghĩ có lẽ chủ dùng trước sẽ khiến cho khách đỡ ngại nên ông nâng lấy tách trà và chuẩn bị đưa lên miệng. Và ông cũng không ngờ ông sẽ phải uống trà trong cú sốc.

Khi chỉ còn thiếu chút nữa thì ông nhấp được ngụm trà, bà mẹ nói với ông bằng một giọng trong veo và vô cùng nhẹ nhõm: “Thưa giáo sư, hôm nay tôi đến gặp giáo sư là để thưa chuyện của cháu. Từ khi cháu nghỉ học, bệnh của cháu vô phương cứu chữa. Lúc còn sống, cháu đã làm phiền giáo sư nhiều quá.”

Giáo sư quá choáng váng, nhưng chẳng nhẽ nâng tách trà lên lại đặt xuống, ông đã uống một hớp đến nửa tách rồi thốt lên nghẹn ngào: “Ôi thật buồn quá.”

Bà mẹ tiếp lời: “Khi nằm bệnh viện, những ngày cuối đời cháu có hay nhắc đến tên giáo sư cho nên dù biết giáo sư bận trăm công nghìn việc, chúng tôi vẫn mạo muội đến xin báo tin cháu và tỏ lòng tri ân sự giúp đỡ của giáo sư.”

Sau đó họ tiếp tục trao đổi câu qua câu lại về sự ra đi của cậu sinh viên hiếu học, bà mẹ nói bằng chất giọng nhẹ như bông: “Dù sao chúng tôi cũng đã làm tất cả những gì có thể, nhưng cuối cùng cũng phải cúi đầu trước số mệnh. Mỗi khi nhớ đến cuộc đời của cháu, chúng tôi không khỏi vô cùng đau xót.”

Trong khi trao đổi câu chuyện, giáo sư chú ý đến thái độ của người phụ nữ. Dù nói chuyện về việc con trai mình ốm bệnh chết nhưng khuôn mặt bà không tỏ chút đau xót nào, mắt không một giọt lệ, giọng nói đều đặn thanh tao bình thường. Khóe miệng bà dường như còn có nụ cười. Có lẽ nếu như ai ở ngoài nhìn vào sẽ nghĩ rằng giáo sư và bà ta đang bàn chuyện chuyện phiếm cuộc đời bên tách trà chứ không thể nghĩ rằng đang nói chuyện về cái chết của con bà ấy. Giáo sư cũng không thể tưởng tượng nổi.

Ký ức của giáo sư trong chốc lát bỗng nhiên quay lại khoảng thời gian ông từng sống và nghiên cứu ở Berlin, Đức. Khi đó, một ngày nọ ông về nhà, ông thấy hai đứa trẻ con khóc nước mắt kèm nhèm đến kể với ông chuyện của một nguyên thủ quốc gia vừa chết. Ông cực kỳ ngạc nhiên bởi nguyên thủ quốc gia vốn quá xa xôi, không thể nào gây ra cảm giác bi thương đến nỗi đứa trẻ phải bộc lộ cảm xúc như vậy. Thế nhưng đó là những gì ông được chứng kiến trước mắt.

Và ông nhìn lại khuôn mặt người đàn bà đang ngồi trước mặt mình, mặt bà vẫn thế, không chút biểu cảm nào của sự thương xót, khóe miệng có nét cười. Sang trọng, quyền quý, tươi tỉnh, đôi mắt trong veo nhìn quanh phòng của ông.

Thế rồi bất chợt chiếc quạt giấy trên tay ông rơi xuống đất cách ông khá xa. Và ông phải cúi xuống nhặt nó. Khi ông cúi xuống nhặt xong chiếc quạt và ngẩng lên thì bỗng một hình ảnh đập vào mắt ông: Hai bàn tay người phụ nữ đang run lẩy bẩy và liên tục vò nhầu nát chiếc khăn tay như muốn xé rách nó.

Vậy là toàn thân bà ta đang run rẩy trong khi khuôn mặt bà ta vẫn điểm một nụ cười. Sự đau khổ về cái chết của con trai đã được bà nuốt hết cả vào trong suy nghĩ, biểu hiện duy nhất có thể nhìn thấy bên ngoài đó là hai bàn tay run bần bật. Khuôn mặt bà tươi cười nhưng thân người bà đang nức nở.

Sau đó, họ nói với nhau thêm vài câu và rồi bà ấy chào giáo sư để ra về, nhưng khuôn mặt vẫn không khác gì lúc đến, tươi tỉnh và luôn điểm nụ cười.

Trang điểm đẹp, khuôn mặt xinh tươi, điềm tĩnh khi kể chuyện chồng chết

Kể cả những người Nhật, khi đã sống ở nước ngoài lâu năm cũng còn cảm thấy choáng váng với cách che giấu sự đau khổ của đồng bào mình, nói chi đến những người phương Tây vốn hướng ngoại và quen với việc thể hiện cảm xúc của bản thân.

Giáo sư Jay Hasadera cũng từng chứng kiến câu chuyện như vậy. Và sau 25 năm ở Nhật, dù đã gặp bao nhiêu sinh viên, nhưng ông vẫn không thể quên được một người. Amy Kato khi đó đang được giáo sư hướng dẫn luận văn. Bỗng nhiên giáo sư thấy cô viết một email xin nghỉ 1 tháng với lý do gia đình có việc. Nghĩ đó là việc riêng nên giáo sư cũng không dám hỏi thêm dù ông rất sốt ruột khi thời gian nộp luận văn.

Một ngày nọ, ông nhận được email từ Kato. Cô nói cô đã xong việc gia đình và muốn gặp ông. Cuộc gặp diễn ra trong phòng họp của giáo sư. Cô mặc chiếc váy đen rất đẹp, gương mặt trang điểm kỹ không lộ lỗ chân lông, đôi mắt đánh màu xanh nhạt. Đôi bàn tay trắng muốt được làm móng cực kỳ cẩn thận. Sau khi trao đổi công việc, giáo sư hỏi thăm Kato: Vậy thời gian qua em có gì khó khăn, tôi có thể chia sẻ nếu em muốn.

Có một khoảng thời gian im lặng khoảng 1 phút, nhưng với giáo sư nó dài như nửa tiếng. Và Kato đáp lời: “Em về nhà làm đám tang cho chồng em, chồng em bị tai nạn tàu qua đời rồi giáo sư ah.”

Với hệ thống tàu điện cực an toàn như ở Nhật, sẽ gần như không thể có khả năng ai đó bị tai nạn, giáo sư có thể hiểu rằng anh ta đã nhảy tàu tự tử. Nhưng khuôn mặt của Kato khi nói với giáo sư về điều đó không hề có chút biểu cảm nào, khóe miệng vẫn có nụ cười. Đôi mắt long lanh nhưng không mang nét buồn. Giáo sư cũng không thể tin được rằng cô có thể nói về cái chết của chồng theo cung cách lịch thiệp, điềm tĩnh như vậy. Cứ như thể chồng cô chết đã 20 năm chứ không phải mới 1 tháng.

Trước đó không lâu, ông từng nhìn thấy chồng cô đến trường, họ nắm tay nhau đi mua sắm, ăn uống, chụp hình đăng lên instagram rất hạnh phúc, ông không tin rằng họ không yêu nhau, không từng có giây phút hạnh phúc. Nhưng nói về việc chồng chết cứ như mới sắm cái áo cái quần thì ông cũng không biết phải diễn tả cảm xúc như thế nào.

Nụ cười của người Nhật thực sự là gì?

Nếu không hiểu về văn hóa và cách cư xử, lễ nghi của người Nhật, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng hai người phụ nữ trong câu chuyện đau thương trên không hề đau khổ. Nhưng thực ra, họ phải cố nuốt nỗi đau khổ vào lòng trước đám đông, bởi quan niệm của người Nhật là họ luôn phải có tinh thần võ sĩ đạo. Võ sĩ đạo thậm chí 3 năm chỉ cười 1 lần, thậm chí không được cười to. Và cũng không được để lộ cảm xúc thất vọng chán nản của mình dù chỉ một lần. Nếu không, xã hội sẽ khinh thường anh ta.

Điều đó đồng nghĩa với việc con người ta luôn phải biết luôn tự tôn tự trọng bản thân, nhẫn nại và có khả năng tự kiềm chế đến mức tối đa có thể. Từ quan niệm đó, dù cá nhân có thành công đến đâu hay đau khổ cùng cực đến đâu cũng không được phép thể hiện ra bên ngoài khuôn mặt. Mỗi bà mẹ luôn dậy con cách tự tu dưỡng và kiềm chế bản thân như thế ngay từ khi đứa trẻ mới chỉ biết đi biết nói và bắt đầu học bài học làm người.

Người Nhật có thể cười để che giấu nỗi buồn (giống như nụ cười của bà mẹ vừa mất con và người vợ mất chồng trong bài viết); người Nhật cũng có thể cười xã giao (khi họ làm dịch vụ hay tham gia các dịp lễ lớn); họ cũng có kiểu cười riêng khi gặp đối tác làm ăn; cách cười khi gặp sếp của mình. Tất cả kiểu cười đó đều được gia đình người Nhật dạy cho con, người nước ngoài không sống lâu và hiểu Nhật không thể biết được điều dó.

Người ta từng nói rằng chỉ có người Nhật nhìn người Nhật mới có thể biết được nụ cười trên khuôn mặt kia biểu thị cho niềm vui, nỗi buồn hay sự sợ hãi, tuyệt vọng. Người nước ngoài luôn có cảm giác không biết người Nhật luôn có nụ cười trên khuôn mặt, nhưng không hiểu cười vì lý do gì. Văn hóa Nhật đề cao sự im lặng, im lặng cả khi quá vui, quá buồn, khi khinh bỉ, miệt thị.

Còn nếu hiểu một cách tiêu cực, nụ cười giúp cho người Nhật mang một chiếc mặt nạ. Cũng có lúc trong hoàn cảnh riêng biệt và bên những người phù hợp, họ sẽ gỡ bỏ mặt nạ đi để trở về với nụ cười sinh lý tự nhiên. Nhưng bước ra ngoài khung cảnh đó, nó lại chuyển thành nụ cười mang thuộc tính văn hóa.

Và khác hoàn toàn với người phương Tây trong nhiều trường hợp cười bằng cả khuôn miệng, người Nhật thậm chí thấy bất nhã nếu ai đó cười với cái miệng quá rộng ở nơi đông người. Thế nên mới có chuyện nhiều người sinh ra và lớn lên trong văn hóa Nhật cảm thấy khó chịu khi nhìn vào bức ảnh của các ngôi sao Mỹ, châu Âu, họ thốt lên: “Cười gì mà miệng há hết cả ra thế kia.”

Giáo sư chuyên nghiên cứu về hành vi con người, ông Masaki Yuki, tại đại học Hokkaido, Nhật khẳng định nếu để nghiên cứu về cảm xúc con người, với người phương Tây hãy nhìn vào miệng, nhưng với người Nhật hãy nhìn vào mắt. Nhưng ngay cả ảnh mắt cũng được rèn luyện để che giấu cảm xúc, chỉ còn cách quan sát hành vi của hai bàn tay nếu có thể.

Nụ cười của người Nhật còn liên quan đến cả văn hóa cộng đồng. Họ quan niệm nếu mang ra đám đông khuôn mặt sầu não, kém tươi sắc là không tôn trọng và khiến cộng đồng phải phiền lòng vì mình. Họ quan niệm “Một người thất vọng, mười người mất vui”.

Hình ảnh của bà mẹ trong câu chuyện “Chiếc khăn tay” và hình ảnh của cô sinh viên với gương mặt tươi tắn nói về chuyện chồng mới mất đã trở thành biểu trưng cho cách hành xử và nụ cười sâu sa, thâm thúy của người Nhật.

Ngọc Thanh

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn CafeBiz: http://cafebiz.vn/bi-mat-sau-nu-cuoi-khoe-mieng-cua-nguoi-nhat-cuoi-khi-vui-cuoi-khi-so-hai-cuoi-ca-khi-chong-con-vua-chet-20160930143619756.chn