Bí mật giờ mới kể của 'gã trai làng' viết văn trên Hoa học trò

Sống trên thành phố nhiều năm nhưng vẫn tự nhận mình là gã trai làng, ông nông dân viết văn.

Bí mật giờ mới kể của "gã trai làng" viết văn trên Hoa học trò

"Phỏng vấn dăm phút thôi, anh ít nói lắm!", là câu "cảnh báo" của Jap Tiên Sinh - gã trai làng viết văn làm tôi lo lắng.

Choáng váng nhất là màn chào hỏi khi gặp nhau, nhấp ngụm càphê đầu tiên anh thủng thẳng: "Nếu ngày xưa anh bỏ học cấp ba để lấy vợ thì con anh bằng tuổi em đấy, nhưng thôi gọi là anh cũng được, mình nói chuyện về báo Hoa mà".

Thế rồi, không để tôi kịp hoang mang, anh độc thoại liền tù tì 15 phút để chứng minh rằng mình rất... ít nói. Khi tôi hỏi: "Thế trong bài viết em gọi anh làgì?", anh bảo: "Khi viết văn anh thích gọi nhân vật là gã, vì như vậy gần gũi hơn".

Sự nghiệp và sự... thật

Jap Tiên Sinh (tức Ba Làng, Lạch Bạng, Hải Thanh, Tú Jap, Trần Nhật Giáp...) là một trong những "quỷ viên" đời đầu ở Trường cười, cũng là cộng tác viên ruột của báo Hoa Học Trò những năm 1992 - 1996.

Chân dung Jap Tiên sinh ngày ấy của Hoa Học Trò.

Nhiều độc giả gắn bó với những số Hoa Học Trò đầu tiên vẫn còn nhớ những mẩu truyện cười, bài thơ phổ nhạc, những câu "danh ngôn", và những bài phỏng vấn Chánh Văn với lối viết gần gũi, mà như gã tự nhận là văn thơ của một "gã trai làng ra phố" này.

Vốn học chuyên Toán từ thuở cấp 2 đến đại học, những tưởng chuyện gã "nhảy bổ" vào văn thơ phải lâm li lắm. Hóa ra cơ duyên dẫn gã đến "nghề cười" chỉ bắt đầu bằng... sĩ diện.

Gã bảo chuyện này anh chỉ mới kể cho mỗi vợ anh thôi, thế mà lần đầu gặp đã tồng tộc ra hết, thật đúng là "ít nói nhưng nhiều lời".

"Khoảng đầu năm 1992, thằng bạn cùng lớp anh có một câu hỏi trên Văn phòng Divu của anh Chánh Văn, thế là nó vênh lắm, đi khoe khắp nơi, thậmchí đi tán gái còn mang theo tờ báo để "lấy le".

Dạo ấy Hoa Học Trò nổi tưng bừng nên chỉ cần có cái tên trong... hộp thư cũng oách xà lách lắm rồi, huống gì được anh Chánh Văn trả lời.

Đã thế nhà anh ở giữa xã, nhà nó ở cuối. Mỗi lần nó đi ngang qua nhà lên thị trấn tán gái, thấy nó... phe phẩy tờ báo thì tức lắm.

Rồi máu sĩ nổi dậy, anh liền bàn với mấy thằng bạn thân thi nhau viết câu hỏi gửi anh Chánh cho nó biết tay. Nhưng mấy đứa bạn bảo đăng ở mục đấy thì chả hóa ra mình bằng nó à, thế là bọn anh viết truyện cười gửi tới tấp.

Rồi ông trời cũng không phụ công người... sĩ diện, viết khoảng 40 thếp giấy kẻ ngang thì được đăng bài đầu tiên. Một mẩu vui tí tẹo còn ngắn hơn cả... địa chỉ tác giả, và đọc lại cũng chẳng thấy buồn cười gì cả (cười lớn).

Rồi cứ thế viết tiếp, quên luôn cả việc mình đang "thắng" thằng bạn, chỉ nhận ra rằng mình rất thích viết truyện cười."

Bài thơ của Jap Tiên sinh trên báo Hoa Học Trò

Gã kể thêm, ngày ấy là thời hoàng kim của phim đầu băng, tức là xem video bằng cách nhét băng nhựa chứa dây từ bên trong để đầu đọc quét tín hiệu.

Hồi đó gã thích nhất là phim chưởng với những câu mùi mẫn: "Tại hạ xin kính chào tiên sinh...", hoặc: "Tiên sinh thật là siêu phàm quá đi...", để rồi gã nhận ra rằng những "ông tiên sinh" - như ngôn ngữ thời nay, thật là bá đạo và oai.

Gã khoái lắm, hì hụi chế cái tên ra tiếng Tây cho nó hài, gọi"nó" là tiên sinh và... bút danh Jap Tiên Sinh đã ra đời như thế.

Gã bảo với tài văn thơ trời đánh của mình (chắc "trời phú"nhưng gã hóm hỉnh nói thế), nếu không có cái bút danh hoành tráng có khi chả được đăng bài nào.

Kỷ niệm với Hoa HọcTrò giờ mới kể

Suốt buổi, "gã trai làng ra phố" kể chuyện cho tôi nghe mộtcách tếu táo, dù hành trình đến với nghề báo chẳng hề suôn sẻ chút nào.

Tốt nghiệp khoa Toán - ĐH Sư Phạm (Hà Nội), gã cũng lai rai đi làm thâỳgiáo nơi này nơi kia, để rồi nhận ra rằng với nghề sư phạm thì kiến thức và yêu nghề chưa đủ, mà còn phải thực sự có năng khiếu sư phạm nữa. Thế là "vì tươnglai của đất nước" gã quyết định thôi nghề dạy học.

Gã bắt đầu cuộc hành trình vào Huế chạy quảng cáo cho một tờ tạp chí, quay ra Hà Nội học thêm bằng Công nghệ Thông tin, rồi lại quay vào Thanh Hóa làm nhân viên trực điện thoại của Bảo Việt...

Gã trai làng giờ đã có những thành công nhất định trong làng cười mà vẫn đỗi giản dị thế này.

Vào một đêm tối trời, sấm chớp ầm ầm, mưa rơi lác đác, gã nằm co quắp trong phòng trọ 8 mét vuông, suốt đêm tính tính toán toán và nhận ra rằng mình chỉ có thể theo "nghề cười".

Thế là lại ra thủ đô, làm quản lý mục Cười của một trang web giải trí, gắn bó đâu chục năm, hiện nay gã đã chuyển sang làm thư ký tòa soạn cho một tờ báo của Hội nông dân Việt Nam, chuyên về hài. Có thể nói nhờ Hoa HọcTrò mà gã phát hiện ra nghề phù hợp với mình.

Đang cười phe phé kể chuyện thăng trầm, nhắc đến báo Hoa tự dưng gã im lặng trầm tư.

- "Em nghe một chị trong Hội bút Hương đầu mùa nói, ngày xưa tự dưng anh bỏ hội ra đi?".

- "Không chỉ chị ấy mà hẳn là nhiều người giận anh lắm đấy, anh cũng không có cơ hội giải thích. Mãi đến năm 2015 anh mới liên lạc lại với mọi người qua Facebook vì nhớ báo Hoa, nhớ những kỉ niệm"...

Năm 1996, gã sắp tốt nghiệp đại học. Vì muốn kiếm một công việc gì đó dính đến viết lách nên gã quyết định chọn một nhà xuất bản để làm cộng tác viên, chờ cơ hội xin làm nhân viên chính thức.

Với suy nghĩ ở nhà xuất bản mình còn kiếm được chân soát lỗi chính tả, chứ ở Hoa Học Trò toàn cao thủ văn thơ chắc không có cơ hội.

Càng ngày càng thấy mình đầy chất trai làng thôkệch giữa một vườn tài năng văn thơ, gã cứ thế ra đi với sự tự ti trong lòng.

"Để đến giờ, sau 20 năm anh mới tìm lại mọi người. Đó là kỷ niệm buồn nhất của anh với Hoa Học Trò" - gã nói rồi im lặng nhìn cơn mưa bất chợt ào qua.

Trước cuộc gặp này, tôi đã nghiên cứu Facebook của gã rất kỹ, năm nào đến kỉ niệm thành lập báo Hoa Học Trò gã đều update cover, vẫn ghi những dòng status chúc mừng. Gã bảo thuở sinh viên của gã đẹp hơn rất nhiều nhờ Hoa HọcTrò!

(Còn tiếp)

theo Thế giới trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/nhung-bi-mat-thua-hoa-hoc-tro-cua-jap-tien-sinh-20160807111033975.htm