Đà Nẵng: Người dân lo mất bãi biển vì khu nghỉ dưỡng

Lối đi xuống biển Nam Ô bị chặn, người dân sở tại phản đối đồng thời yêu cầu chủ dự án và chính quyền địa phương đối chất: 'Chưa xây dựng đã như vậy, đến lúc có khu nghỉ dưỡng rồi thì liệu người dân có còn đường đi xuống biển nữa không?'.

Chủ đầu tư Dự án Lancaster Nam Ô Resort đang đóng cửa đường đi xuống biển.Ảnh: T.T

Rào chắn đường ra bãi biển

Những ngày qua, nhiều người dân phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) tập trung tại lối đi xuống biển ghềnh Nam Ô để “canh chừng”. Trước đó, ngày 20.3, chủ dự án Nam ô Resort đã bất ngờ cho đóng cửa đường đi xuống biển tại khu vực này. “Họ lấy lý do là sợ người lạ vào chụp ảnh hay tắm biển rồi té ngã, không an toàn. Nhưng vậy còn người dân ở đây thì thế nào. Bao năm qua, chúng tôi ở đây vẫn sinh hoạt, lên xuống bãi biển bình thường thì nay bị chặn là cớ làm sao?” - chị Lê Hoa, người dân tại đây bức xúc.

Trước lo ngại đó, ngay khi lối đi bị đóng, dù cơ quan chức năng địa phương đến trao đổi, người dân tại đây nhất định không đồng ý. Được biết, khu vực bãi biển nói trên thuộc dự án Lancaster Nam Ô Resort có diện tích 36,5 ha. Sau khi thực hiện giải tỏa đền bù từ nhiều năm trước, mới đây, 1 con đường dân sinh giáp với dự án được xây dựng. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó, chủ đầu tư đã cho che rào chắn toàn bộ dự án, bao gồm cả bãi biển.

“Chúng tôi đồng ý rào lại là để xây dựng dự án, họ cũng mở những lối đi xuống biển cho người dân, nhưng nay bỗng dưng khu vực ghềnh Nam Ô bị đóng cửa mà không có thông báo gì khiến ai cũng băn khoăn. Trong khi đó, nhiều năm qua, cũng vì phát triển du lịch, nhiều tuyến đường tại Đà Nẵng hiện nay bị vây kín bởi khu nghỉ dưỡng, resort. Người dân Đà Nẵng bao năm đi kiện, đi đòi mãi vẫn chưa được khiến chúng tôi lo ngại. Đóng cửa bây giờ, có thể người dân sẽ mất hẳn bãi biển nghềnh Nam Ô” - ông Nguyễn Đức Minh, người dân ở đây cho hay.

Lo an toàn cho dân?

Trước bức xúc của người dân, ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - trong sáng 21.3 đã có mặt tại khu vực này để ghi nhận sự việc. Trao đổi với báo chí, ông Thiết cho biết, UBND quận đã chỉ đạo cho chủ đầu tư sớm xây dựng phương án khai thác, trình UBND thành phố phê duyệt để quận có thông tin, cơ sở trao đổi lại với người dân. “Còn hiện tại, có khoảng 10 lối đi xuống biển dành cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, đối với dân thập phương không quen địa bàn, ghềnh đá hoang sơ lại có rừng nên chính quyền lo ngại không đảm bảo an toàn, vì vậy chúng tôi không khuyến khích vào khu vực” - ông Thiết cho hay.

-Riêng lo ngại của người dân về việc sau khi dự án đi vào hoạt động, UBND quận đang xin chủ trường thành phố, làm việc với chủ dự án để chừa 1 lối đi xuống biển ngay giữa trung tâm dự án, rộng 4m. Đây là lối đi xuống khu quần thể tâm linh, đền thờ của người dân địa phương. Bên cạnh đó, 2 đầu đường dự án có 2 tuyến đường hiện hữu người dân vẫn được đi lại tự do.

Mặc dù vậy, với đường bờ biển gần 1.000m, được chia tách thành 2 khu vực bởi ghềnh đá nhưng chỉ có 1 con đường xuống biển thì người dân khu vực này vẫn thiệt thòi khi bị chặn mất bờ biển bởi các khu nghỉ dưỡng. Đặc biệt, khu vực ghềnh Nam Ô, người dân muốn tiếp cận sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, tại đây hiện đang có 160 phương tiện thuyền thúng công suất dưới 20cv. Đà Nẵng vẫn đang thực hiện chủ trường vận động bà con chuyển đổi ngành nghề với lý do “đánh bắt cá gần bờ làm cạn kiệt nguồn thủy sản”. Vậy nhưng, điều này cũng đồng nghĩa với việc làng chài Nam Ô với nghề nước mắm Nam Ô cũng sẽ lùi vào quá khứ. Thay vào đó là những khu resort, ngăn cách người dân với bãi biển.

THÙY TRANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/da-nang-nguoi-dan-lo-mat-bai-bien-vi-khu-nghi-duong-597207.ldo